Thứ Hai, 14/10/2013, 05:55 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2013)

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng CTH và PTND

Phát huy truyền thống Hội qua 83 năm, Hội Nông dân Tiền Giang tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội (CTH) và phong trào nông dân (PTND) đặc biệt là ở cơ sở.

CTH và PTND hiện nay, nhất là ở cơ sở có nhiều chuyển biến tốt, cụ thể là công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên, nông dân được quan tâm đổi mới về nội dung và phương thức. Qua tuyên truyền, giáo dục, nông dân Tiền Giang có nhận thức thức đúng đắn về chính trị, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới; chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống cần cù, siêng năng trong lao động, học tập để vươn lên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).

Công tác tổ chức Hội ngày càng được củng cố; nội dung, phương thức hoạt động luôn được đổi mới. Toàn tỉnh hiện nay có 245.207 hội viên tham gia sinh hoạt ở 7.849 tổ, 962 chi, 163 cơ sở Hội. Tỷ lệ tập hợp trên 50% nông dân trong độ tuổi vào tổ chức Hội; trên 95 % hộ nông nghiệp có hội viên nông dân.

Qua bình xét hàng năm có trên 70% tham gia sinh hoạt, đóng hội phí; 20% hội viên nòng cốt, trên 75% đạt loại khá trở lên. Các phong trào hành động cách mạng của nông dân luôn được phát động sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. PTND thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi được nông dân tích cực hưởng ứng.

Qua phát động, hàng năm có trên 60.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD các cấp. Tạo vốn từ các nguồn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân; các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh; nguồn quỹ 120… có trên 2 ngàn tỷ đồng giúp vốn cho nông dân SXKD. Mở hàng ngàn lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT).

Chủ động phối hợp các ngành, doanh nghiệp tập trung dạy nghề, chuyển giao KHKT, tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân. PTND tham gia xây dựng NTM văn minh, tiến bộ; phong trào bảo đảm quốc phòng an ninh được đông đảo bà con nông dân tích cực tham gia. Đó là những kết quả cơ bản đáng trân trọng.

Tân Phước là một trong những huyện có nhiều Nông dân SXKD Giỏi. Trong ảnh: Được mùa khóm. Ảnh: Duy Bằng
Tân Phước là một trong những huyện có nhiều Nông dân SXKD Giỏi. Trong ảnh: Được mùa khóm. Ảnh: Duy Bằng

Thực tế CTH và PTND, nhất là ở chi, tổ, Hội cơ sở vừa qua cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Nội dung, phương thức hoạt động của công tác tổ chức Hội và PTND chưa đáp ứng với yêu cầu mới. Tính chủ động, sáng tạo, sức phấn đấu của một bộ phận cơ sở, chi, tổ Hội chưa cao. Đội ngũ cán bộ trình độ, năng lực chưa ngang tầm. Các phong trào hành động cách mạng của nông dân có lúc, có nơi còn dàn trải, chưa sâu; tính hiệu quả đôi lúc chưa cao.

Nhiều nơi, công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên và bà con nông dân chưa được sâu rộng; nội dung, phương pháp tuyên truyền còn đơn giản, khô cứng, hiệu quả thấp. Còn một bộ phận nông dân chưa chịu khó phấn đấu học tập, lao động để vươn lên, còn trông chờ, ỷ lại; nhận thức về chính trị, xã hội kể cả pháp luật còn kém. Tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp mặc dù đã giảm nhiều, nhưng cũng còn diễn ra, có vụ khá phức tạp.

Phát huy truyền thống 83 năm của Hội Nông dân Việt Nam; đồng thời để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động CTH và PTND trong giai đoạn mới, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nội dung có liên quan đến nông dân.

Nội dung, phương thức tuyên truyền giáo dục phải khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ truyền đạt, hấp dẫn và phù hợp với cán bộ, hội viên, nông dân. Kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền chiều rộng và chiều sâu; quan tâm đặc biệt đến vùng sâu, vùng xa.

Mục đích của công tác tuyên truyền là giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân có ý thức đúng đắn về chính trị, biết tôn vinh và phát huy truyền thống; chấp hành và tham gia thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt hướng cho giai cấp nông dân tự phấn đấu học tập, lao động, vươn lên để đáp ứng yêu cầu mới; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa bàn dân cư, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM; tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong nội bộ nông dân ngày càng được tăng cường và mở rộng.

Trong công tác tổ chức xây dựng Hội, luôn quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực từ tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương, kết hợp với nhiệm vụ của Hội cấp trên, luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách phù hợp theo phương châm hướng về cơ sở, sát hội viên, nông dân.

Quan tâm quy hoạch, đào tạo, sử dụng và bố trí cán bộ. Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu bảo đảm chuẩn hóa, có năng lực, trình độ, tâm huyết, uy tín; hết lòng với công việc, với hội viên, nông dân. Đến năm 2015 tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ trên 70% nông dân trong độ tuổi được kết nạp vào hội. Trên 98% hộ có lao động nông nghiệp được kết nạp vào hội. Trên 70% hội viên tham gia sinh hoạt và đóng hội phí đều, xây dựng 20% lực lượng nòng cốt. Hàng năm qua đánh giá, bình xét có trên 80% đạt khá, vững mạnh trở lên.

Tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào lớn của Hội Nông dân: PTND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; Phong trào tham gia xây dựng NTM văn minh, tiến bộ và Phong trào tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tư vấn dạy nghề, giải quyết việc làm và tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân; gắn với việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động 28 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 171 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Góp phần đưa đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước vươn lên đáp ứng với yêu cầu mới.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhất là thời kỳ cả nước tập trung cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải ngang tầm với yêu cầu mới. Trên cơ sở nối tiếp truyền thống 83 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Tiền Giang quyết tâm nâng cao chất lượng CTH và PTND, đây là việc làm quan trọng mà Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh phải thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao.

NGUYẾN VĂN QUANG
(Chủ tịch Hội Nông dân Tiền Giang)

.
.
.