Thứ Sáu, 04/10/2013, 15:43 (GMT+7)
.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC

Người đứng đầu cơ sở được các văn bản pháp luật về PCCC quy định là người đứng đầu cơ quan, tổ chức gọi chung cho nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, rạp hát, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại, doanh trại lực lượng vũ trang và các công trình khác.

Hội thao chữa cháy.
Hội thao chữa cháy.

Căn cứ điều 20 của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), điều 3 Nghị định 35/2013/NĐ-CP ngày 4-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC thì người đứng đầu cơ sở trong phạm vi quản lý và nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về PCCC;

2. Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCC và yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật;

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC; huấn luyện nghiệp vụ PCCC; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động PCCC; quản lý và duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở hoặc đội PCCC chuyên ngành;

4. Kiểm tra an toàn về PCCC; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCC; tổ chức khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCC;

5. Trang bị phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy;

6. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC;

7. Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình PCCC; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về PCCC của cơ quan, tổ chức mình;

8. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCC; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

9. Tổ chức tham gia các hoạt động PCCC khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm PCCC của cơ sở, ngoài việc tổ chức thực hiện có hiệu quả 9 yêu cầu trên, người đứng đầu cơ sở có tính đặc thù về PCCC như: 

Đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hoá khác có nguy hiểm về cháy nổ;

Cơ sở là các công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và các công trình khai thác khoáng sản khác;

Cơ sở sản xuất, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị, dụng cụ điện; cơ sở là chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,  kho tàng; cơ sở là cảng, nhà ga, bến xe; cơ sở lả trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ thì phải thực hiện các biện pháp đặc thù về PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng loại cơ sở.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC là rất quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho sự phát triển bền vững của cơ sở, sự bình yên cuộc sống của mọi người và giữ vững an ninh trật tự chung, mỗi chủ cơ sở phải thấy được trách nhiệm của mình, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, chắc chắn cháy nổ sẽ không xảy ra.

THANH NHÀN

.
.
.