Thứ Tư, 16/10/2013, 08:21 (GMT+7)
.

Thương binh Hồ Văn Truyền: Tấm gương nỗ lực vượt khó

Đó là ý chí và nghị lực của thương binh hạng ¼ Hồ Văn Truyền, sinh năm 1949, ngụ ấp Tân Xuân (Tân Phú, Tân Phú Đông).

Sinh ra trong thời buổi đất nước bị kẻ thù xâm lược, dân tộc bị mất tự do, năm 17 tuổi chú đã tham gia bộ đội. Đơn vị mà chú tham gia chiến đấu là Tiểu đoàn 514. Vào năm 1969, trong một trận chiến đấu chống càn của địch ở xã Bình Xuân (TX. Gò Công), chú bị thương ở đùi, vùng đầu và mất đi vĩnh viễn một phần cánh tay phải. Bị thương nặng, chú được đồng đội đưa về huyện Thừa Đức (Bến Tre) chữa trị vết thương.

Sau 3 năm dưỡng thương, dù tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 81%, nhưng chú vẫn xin được tiếp tục chiến đấu. Thấu hiểu được tâm trạng của chú, lúc bấy giờ đồng đội giao chú nhiệm vụ trực điện báo của đơn vị. Năm 1975, sau khi đất nước được độc lập, chú tham gia công tác tài chính ở tỉnh Gò Công, rồi làm Phó  Trưởng phòng Tài chính huyện Gò Công Tây, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh  xã Tân Phú, Bí thư Chi bộ ấp Tân Xuân. Đến năm 2006 chú mới nghỉ hưu.

Chú  Hồ Ngọc Truyền  bên  ngôi nhà khang trang của mình.
Chú Hồ Ngọc Truyền bên ngôi nhà khang trang của mình.

Trở lại đời thường, chú Hồ Văn Truyền lao động cần cù, sáng tạo, không ngại gian nan để tạo dựng cuộc sống gia đình. Với 3.100 m2 đất sản xuất, lúc đầu chú cải tạo trồng lúa nhưng năng suất rất thấp do điều kiện thổ nhưỡng nơi đây không thích hợp. Cuộc sống gia đình chú gặp rất nhiều khó khăn. Thế rồi, sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng mãng cầu Xiêm, chú quyết định chuyển sang trồng loại cây này thay cây lúa.

Chính bản tính chịu thương, chịu khó cộng với việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiện nay vườn mãng cầu của chú phát triển rất tốt và cho trái đều đặn, mỗi năm cho thu lãi 50 triệu đồng, mang lại cuộc sống ổn định và ngày càng khấm khá cho gia đình. Chú chia sẻ: “Trước đây, tuy hoàn cảnh gia đình túng thiếu nhưng không vì thế mà tôi chán nản buông xuôi. Ngược lại, tôi tự nhủ phải cố gắng làm nhiều hơn nữa để cùng vợ chăm lo cuộc sống cho gia đình”.

Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, đã nhiều năm nay, ngày nào chú cũng vác cuốc, mang liềm ra nhổ cỏ, cuốc đất và chăm sóc vườn mãng cầu của mình. Mặc dù mang thương tật nhưng chú vẫn cố gắng theo kịp công việc với mọi người không khác gì người lành lặn.

Chính thành quả lao động đã giúp chú quên đi những nỗi đau còn để lại trên người chú. Sau bao năm vất vả, nỗ lực phấn đấu, khắc phục trở ngại, chú đã có có một gia đình hạnh phúc cùng cô Nguyễn Thị Tiết Hạnh, nuôi 4 người con khôn lớn, đủ chứng minh nghị lực của người thương binh.

Sự dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và góp sức xây dựng quê hương của người lính Hồ Ngọc Truyền đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Chú còn vinh dự được nhận Huy hiệu 40 tuổi Đảng. Chú Hồ Ngọc Truyền xứng đáng được biểu dương là tấm gương thương binh vượt khó để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

HIẾU TRUNG

.
.
.