Triệu phú sầu riêng miệt vườn Long Trung
Ngày nay, về Long Trung (Cai Lậy), một xã vùng căn cứ kháng chiến cũ, từng được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của tỉnh Tiền Giang mọi người không khỏi trầm trồ trước màu xanh ngút mắt của những khu vườn chuyên canh sầu riêng. Đây là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của xã.
Nói về cây trồng đặc sản này phải kể đến những nông dân tiêu biểu đi tiên phong đưa sầu riêng vào cơ cấu cây trồng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong nông nghiệp - nông thôn, trở thành triệu phú miệt vườn; điển hình là ông Nguyễn Văn Mười, cư ngụ tại ấp 5 đang sở hữu 1,4 ha vườn chuyên canh sầu riêng giống RI6 và Mong Thong chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Mười trong căn nhà mới. |
Nói về con đường dựng nghiệp từ cây sầu riêng đặc sản, ông Nguyễn Văn Mười cho biết, trước đây đất đai của gia đình ông chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, do địa hình đất gò cao lại chia cắt manh mún, đồng đất nhỏ hẹp, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên sản xuất rất khó khăn, năng suất thấp, bấp bênh. Hầu như năm nào cũng thất bát, cuộc sống hết sức khó khăn.
Sau trận lũ lịch sử năm 2000, ông Mười nhận thấy không thể nào bám víu vào việc độc canh cây lúa mãi để cuối cùng “ nghèo vẫn hoàn nghèo”, thay vào đó phải mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản.
Để đạt hiệu quả kinh tế, ông chú ý khâu tuyển chọn cây giống tốt, áp dụng các biện pháp canh tác khoa học - kỹ thuật được chuyển giao từ cán bộ khuyến nông, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn bản thân đúc kết được.
Gia đình ông chọn trồng giống sầu riêng RI6 và Mong Thong vốn có chất lượng trái tốt, năng suất, sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi công đất trồng mật độ từ 18 - 20 cây. Sầu riêng trồng bằng nhánh chiết hoặc giống tháp cành chỉ từ 4 - 5 năm đã cho thu hoạch, những năm sau năng suất càng cao. Trung bình, mỗi ha đất trồng sầu riêng đạt năng suất từ 20 - 25 tấn/ha.
Đặc biệt, ông không chỉ quan tâm thiết kế khu vườn trồng có mật độ vừa phải mà còn ứng dụng thuần thục các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong quá trình thâm canh. Điển hình là kỹ thuật xử lý để cây ra trái vào mùa nghịch để tránh được tình trạng “trúng mùa, đụng chợ” và luôn bán được giá cao.
Hàng chục năm gắn bó với cây sầu riêng đã giúp ông dựng nên cơ nghiệp, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thâm canh. Đó là có chế độ chăm sóc hợp lý, bón phân cân đối, dùng phổ biến các loại phân hữu cơ để duy trì sự phát triển của cây, nhất là phòng ngừa sâu bệnh kịp thời.
Để xử lý cây cho trái mùa nghịch thành công, cần chú ý thời tiết, thời điểm xử lý, chăm sóc trái phù hợp và quan tâm tỉa thưa trái để đảm bảo chất lượng trái ngon, được thị trường ưa chuộng, cũng như ngăn chặn sự lão hóa của cây.
Theo ông Mười, sầu riêng cho thu hoạch vào mùa nghịch có giá bán rất cao. Có thời điểm thương lái thu mua tại vườn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Với 1,4 ha sầu riêng, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận gần nửa tỷ đồng.
Nhờ nguồn lợi từ vườn chuyên canh sầu riêng tích cóp được trong thời gian qua, ông đã cất được một căn nhà khang trang trị giá hàng tỷ đồng. Ông cũng đầu tư cho việc học của 6 đứa con, trong đó có 2 người con đầu đã thành đạt, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Đến thăm ông giữa mùa sầu riêng đang đơm hoa, ông cho biết, từ một hộ diện cận nghèo cách đây hàng chục năm ông đã vươn lên trở thành triệu phú miệt vườn Long Trung với thu nhập mỗi năm nửa tỷ đồng. Kết quả trên có được chính từ sự năng động, tính toán của một nông dân biết chọn cây trồng phù hợp, nhanh chóng chuyển đổi sản xuất hiệu quả.
Nhìn vào gương sản xuất giỏi của ông Nguyễn Văn Mười các nông dân quanh vùng tích cực áp dụng và đều thành công. Thông qua đó, diện tích sầu riêng tại Long Trung mở rộng lên 1.000 ha, trở thành một trong những vùng trồng sầu riêng chuyên canh lớn nhất huyện Cai Lậy.
MINH TRÍ