Xác định danh tính liệt sĩ cần dựa vào căn cứ khoa học
Ông Đào Ngọc Lợi. Ảnh Thu Cúc |
Dư luận đang lên án một số “nhà ngoại cảm” lợi dụng việc tìm mộ liệt sĩ để lừa đảo, trục lợi. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Lợi về vấn đề này.
Dư luận rất bất bình trước thông tin một số “nhà ngoại cảm” lừa đảo, trục lợi bất chính từ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn lọc, quản lý để có được những nhà ngoại cảm thực sự có khả năng, tâm huyết cùng tham gia vào công việc tìm mộ liệt sĩ. Quan điểm của Cục Người có công về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Lợi: Hiện tại, Bộ LĐTBXH đang triển khai đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Đề án đã thành lập Ban Chỉ đạo và có quy chế hoạt động cụ thể.
Việc có cho phép các hoạt động tìm mộ bằng ngoại cảm hay không, sau khi Ban Chỉ đạo họp sẽ cho ý kiến.
Theo quan điểm của tôi, không nên coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn, chưa có cơ sở pháp lý kiểm tra, hơn nữa sẽ gây tâm lý lợi dụng thực hiện tràn lan.
Một số nhà ngoại cảm đã được xác định năng lực, có đóng góp vào công tác tìm mộ liệt sĩ trong thời gian qua nhưng thông tin họ cung cấp cũng chỉ nên coi là những dữ liệu tham khảo ban đầu. Bởi lẽ, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ mà cần dựa vào các minh chứng khoa học, giám định cụ thể.
Trước đây, Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân, quy tập tìm mộ liệt sĩ. Còn trong các văn bản pháp luật hiện hành, Nhà nước đã giao cho cơ quan quân sự hoặc đội quy tập thực hiện nhiệm vụ quy tập tìm mộ liệt sĩ. Những tổ chức, cá nhân tự phát, khi bị phát hiện có động cơ nào khác, sẽ bị xử phạt hoặc đề nghị điều tra và xử lý theo pháp luật.
Trong tháng 9 vừa qua, Cục Người có công đã phối hợp với Tổng cục An ninh II, Bộ Công an thực hiện xác minh, điều tra các thông tin có liên quan về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm. Từ đó, phát hiện một số dấu hiệu lừa đảo của các nhà ngoại cảm. Với những đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, sẽ bị xử phạt theo Nghị định xử phạt hành chính. Hành vi lừa đảo sẽ bị xử lý hình sự. Hiện, Bộ LĐTBXH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của nhà ngoại cảm. |
Trong thời gian tới, việc quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ sẽ được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Đào Ngọc Lợi: Trước nguyện vọng của đông đảo người dân mong muốn tìm mộ liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ cho gia đình mình, Chính phủ đã phê duyệt 2 Đề án. Trong đó, Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo do Bộ Quốc phòng làm cơ quan thường trực. Còn Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin do Bộ LĐTBXH là cơ quan thường trực.
Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2012-2015, sẽ xác định danh tính cho 25.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó thông qua phương pháp giám định gen sẽ xác định danh tính cho khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.
Trong giai đoạn 2015-2020, Đề án tập trung xác định danh tính cho khoảng 63.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó khoảng 50.000 người được xác định bằng phương pháp gen.
Để thực hiện được mục tiêu này, đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp chính là thông tin, tuyên truyền, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và ứng dụng phương pháp giám định gen.
Từ năm 2011, Bộ LĐTBXH đã giao cho Cục Người có công thực hiện thí điểm việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin qua giám định ADN. Cục đã phối hợp với 3 trung tâm giám định là Viện Pháp y Quân đội, Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) và Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.
Trong 2 năm qua, Cục đã nhận và gửi giám định hơn 1.000 trường hợp do các địa phương và thân nhân liệt sĩ trực tiếp gửi đến, trong đó có hơn 400 trường hợp đã xác định được chính xác tên liệt sĩ.
Qua kết quả giám định những mẫu hài cốt liệt sĩ, chúng tôi thấy việc giám định ADN xác định hài cốt là phương pháp chủ yếu để xác định danh tính liệt sĩ, vì đây là phương pháp khoa học được sử dụng rộng rãi khắp thế giới.
Quy trình giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ sẽ được thực hiện theo quy trình như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Lợi: Việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân được Cục Người có công và các cơ quan giám định hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và thân nhân có nguyện vọng.
Khi có thông tin (từ đồng đội) về một trận đánh, thông tin về trường hợp liệt sĩ hy sinh, thân nhân liệt sĩ có thể liên hệ với Sở LĐTBXH và cơ quan quân sự địa phương phối hợp tiến hành khai quật, quy tập, lấy mẫu ADN và có biên bản cụ thể.
Thân nhân liệt sĩ có thể gửi mẫu trực tiếp tới Cục Người có công (số 139 Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình, Hà Nội). Với những trường hợp ở xa, Sở LĐTBXH sẽ có trách nhiệm gửi mẫu về Cục Người có công, chúng tôi sẽ đem đi giám định tại 1 trong 3 trung tâm đã nêu trên.
Thời gian tùy thuộc vào mẫu, nhanh thì 2 tuần, có trường hợp kéo dài vài tháng vì hầu hết các mẫu đều hơn 40 năm, nhiều mẫu đã phân hóa, đơn vị giám định phải làm đi làm lại nhiều lần. Toàn bộ kinh phí giám định được Nhà nước hỗ trợ.
Các thân nhân liệt sĩ không nên sốt ruột tin vào các nhà ngoại cảm mà cần tin vào các bằng chứng khoa học để tránh tốn công vô ích.
(Theo chinhphu.vn)