Xây dựng nông thôn mới: Lấy sức dân để làm lợi cho dân
Khởi động từ 7 xã điểm vào năm 2011, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cai Lậy đã được nhân rộng tại 25 xã, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân và đạt được những thành công bước đầu. Trong đó, việc khơi dậy sức mạnh nội lực trong dân và các nguồn lực xã hội hóa từ bên ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các xã nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Đường Miếu Bà liên ấp Bình Thuận và Bình Hòa A (xã Tam Bình) được người dân hiến đất mở rộng theo đúng tiêu chí NTM. |
Tam Bình là một trong những xã thực hiện tốt phong trào xã hội hóa (XHH) trong xây dựng các tiêu chí NTM, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, UBND xã còn phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể xã vận động nhân dân hỗ trợ thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng mới và sửa chữa nhiều công trình GTNT như: cầu, đường…
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động, ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình, cho biết: “Cùng với việc tổ chức họp dân ở các ấp để vận động và xin ý kiến người dân về việc hiến đất, xã cũng đã phát huy vai trò “đi trước” của đảng viên”.
Là một trong những người đi đầu hiến đất làm đường, đảng viên Lê Văn Quyền, ở ấp Bình Hòa A cho biết: “Nhận thức được việc hiến đất làm đường giao thông là vì lợi ích chung, tạo đường đi thông thoáng, vận chuyển hàng hóa, vật tư để phục vụ sản suất nông nghiệp cũng dễ dàng hơn; đồng thời cũng góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM. Do đó, là đảng viên tôi nghĩ mình cần phải làm gương đi đầu và đã tự nguyện hiến 300m2 đất cặp hai bên con đường Miếu Bà liên ấp để xã nâng cấp, sửa chữa tuyến lộ theo đúng quy định của tiêu chí NTM”.
Theo ước tính, đến nay xã Tam Bình đã có 482 đảng viên và hộ dân tham gia hiến đất với
30.357 m2, tổng trị giá 13 tỷ đồng. Với số đất được người dân hiến này, xã đã tiến hành gia cố, nâng cấp, mở rộng và lót dal, trải nhựa nhiều tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn NTM như: Đường Miếu Bà; đường Kiểm Thưởng; đường Bờ Mới; đường Xẽo Lá…
Theo ông Nguyễn Tấn Nhủ, kinh nghiệm của việc vận động người dân hiến đất để xây dựng NTM của Tam Bình không chỉ là sự đồng tâm, nhất trí của nội bộ cấp ủy, chính quyền, mà còn ở việc phát huy dân chủ, xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân, lấy sức dân để làm lợi cho dân.
Thạnh Lộc cũng là một trong những xã thực hiện tốt công tác huy động sức mạnh nội lực và XHH trong xây dựng NTM. Xã xác định việc xây dựng NTM sẽ tạo động lực cho Thạnh Lộc khai thác tốt các tiềm lực kinh tế. Trước tiên, giúp xã phát huy tốt lợi thế về tài nguyên mà lũ lụt mang lại đối với đời sống, tạo chuyển dịch cơ cấu theo hướng phá thế độc canh cây lúa, mở mang ngành nghề nông thôn... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh Lộc coi trọng việc huy động cả hệ thống chính trị nỗ lực xây dựng NTM, trong đó phát huy vai trò của nhân dân sở tại được hưởng lợi.
Trên cơ sở đó, UBND xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể của xã tích cực vận động bà con góp công sức, góp vốn kiến thiết hạ tầng, xây dựng và nhân rộng những mô hình làm giàu ở nông thôn, nâng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Xã xác định tổng nguồn vốn cần cho mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 lên đến 551 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2012 - 2015 cần 292 tỷ đồng, trong đó 47,97% vốn do nhân dân đóng góp, còn lại là vốn từ ngân sách cấp, vay tín dụng, doanh nghiệp...
Trong năm 2012, Thạnh Lộc triển khai thi công hàng loạt công trình kiến thiết hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, phúc lợi xã hội trong chương trình xây dựng NTM. Đó là các công trình đường Nam kinh Hai Hạt dài 5 km, kinh phí 1,35 tỷ đồng; 2 cầu dân sinh: cầu kinh Lấp và kinh Hai Biện, tổng kinh phí 900 triệu đồng; đang triển khai tuyến dân cư Tây kinh Chà Là dài 6 km và cầu bắc ngang kinh Nguyễn Văn Tiếp; đồng thời phối hợp với ngành Điện thi công nhiều công trình đường điện trung - hạ thế phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Ngoài ra, còn đưa vào sử dụng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như: kinh Mương Lộ, kinh ranh Tư Đạt giáp xã Phú Cường, kinh ranh giáp xã Mỹ Thành Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lộc, công tác XHH về xây dựng NTM trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được vận dụng phù hợp với thực tế, từ đó đã huy động được sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Ngoài ra, việc bố trí các nguồn vốn đầu tư tập trung vào các công trình trọng điểm, có liên quan trực tiếp tới phát triển của cộng đồng dân cư nông thôn, đã giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các công trình hoàn thành đều đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của xã, dần dần hoàn thiện theo các tiêu chí NTM. Kết quả, trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, hiện xã đã đạt được 8 tiêu chí.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cai Lậy, chuyển biến rõ nét sau hơn ba năm xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy là kết cấu hạ tầng nông thôn dần hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đến nay, các xã đã đưa vào sử dụng 299 công trình cầu, đường giao thông, thủy lợi nội đồng và đang thi công 70 công trình với tổng vốn đầu tư 156,7 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thực hiện tiêu chí giao thông, nhân dân các xã xây dựng NTM đã tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu và ngày công lao động để hoàn thành các tuyến đường theo kế hoạch.
Có được kết quả trên là nhờ nhiều xã huy động, tập hợp tốt sức mạnh nội lực để xây dựng NTM; tuy nhiên vẫn còn không ít xã xem nhẹ vấn đề này. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cai Lậy, trong 39 chỉ tiêu của 19 tiêu chí xây dựng NTM, thì có hơn 25 chỉ tiêu do người dân thực hiện.
Thời gian qua, vẫn còn một bộ phận cán bộ, người dân chưa nắm rõ vấn đề này, nên còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Bằng chứng là, tuy đã thực hiện xây dựng NTM hơn 3 năm, nhưng huyện chỉ mới có 3 xã đạt từ 8 - 11 tiêu chí là: Tam Bình, Mỹ Phước Tây và Thạnh Lộc; các xã còn lại đạt từ 5 - 7 tiêu chí.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có nhiều xã còn cho rằng việc huy động nguồn lực từ nhân dân là bằng chính tiền mặt từ người dân đóng góp nên còn e dè vận động.
Nhưng trong xây dựng NTM, nguồn đóng góp của cộng đồng được nêu rất rõ, đó là công sức, tiền của đầu tư cải tạo nhà ở, xây mới và nâng cấp các công trình vệ sinh phù hợp tiêu chuẩn; cải tạo ao, vườn để có cảnh quan đẹp và có thu nhập; đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hộ gia đình để tăng thu nhập và đóng góp xây dựng các công trình công cộng bằng nhiều hình thức.
Như vậy, việc người dân chủ động phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải tạo nhà ở và các công trình khác phục vụ cho chính nhu cầu của gia đình mình cũng là một hình thức đóng góp xây dựng NTM…
PHƯƠNG NGHI