Chủ động phòng tránh siêu bão Haiyan
Sáng ngày 9-11, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thành, thị bàn biện pháp ứng phó với bão Haiyan. Tham dự phía đầu cầu tại TP. Mỹ Tho có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và TP. Mỹ Tho.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 đến 35 km. Đến 4 giờ 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi theo dọc các tỉnh Trung bộ.
Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Trung bộ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 10 đến cấp 12, biển động dữ dội.
Khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão, thời tiết có mưa, mưa rải rác. Khu vực biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng có gió Đông Bắc đến Bắc cấp 5, cấp 6, chiều chuyển dần sang Tây đến Tây Nam cấp 7, cấp 7, giật trên cấp 7, có mưa rào và giông, biển động mạnh.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị bàn biện pháp ứng phó với siêu bão. |
Theo các ngành chuyên môn, đây là cơn bão mạnh lịch sử ở Biển Đông, di chuyển nhanh, mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, tầm ảnh hưởng rộng cần phải chủ động đề phòng.
Để chủ động đối phó với siêu bão Haiyan, ngay khi có tin về bão, BCH PCLB&TKCN tỉnh đã thông tin đến cơ quan đơn vị có liên quan, BCH PCLB và TKCN các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho để thông báo cho các chủ phương tiện, ngư dân biết vị trí tâm bão, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh.
Ngay từ chiều ngày 7-11, BCH PCLB&TKCN tỉnh đã có công điện chỉ đạo các sở ngành, các cấp tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão; thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 9 -11; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm về bờ hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm trước 19 giờ ngày 8-11.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông và Sở Giao thông Vận tải kiểm soát chặt chẽ các biến đò ngang, đò dọc, các tàu thuyền đánh bắt ven biển, cửa sông và căn cứ vào tình hình thực tế chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10 -11.
Các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã thường xuyên thông báo các chỉ đạo của cấp trên và diễn biến của bão cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh. UBND huyện Gò Công Đông phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP và Sở NN&PTNT tổ chức sắp xếp tàu thuyền đã vào khu neo đậu để đảm bảo an toàn.
Tính đến 20 giờ 30 ngày 8 -11, có 923 tàu thuyền với 4.509 người đã vào bờ tránh, trú an toàn; số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 453 chiếc với 3.887 người, chủ yếu đánh bắt xa bờ. Hiện nay số tàu đánh bắt này ở khu vực an toàn và thường xuyên nắm thông tin liên lạc để tránh bão.
Chủ động phòng tránh và thiệt hại có thể do bão gây ra trong những ngày tới, BCH PCLB&TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục kêu gọi, thông báo cho 453 tàu đang hoạt trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để tìm nơi trú tránh an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội BĐBP cùng địa phương tổ chức sắp xếp tàu, thuyền vào neo đậu an toàn và không để người ở lại trên tàu, thuyền (dự kiến các khu neo đậu như rạch Cần Lộc, rạch Gia Thuận, khu neo đậu Đèn Đỏ, rạch Già, Long Uông, rạch Cầu, rạch Nông Trường…).
Đáy sông Cầu có 78 sở đáy thuộc huyện Gò Công Đông với 59 phương tiện, 196 người lao động tham gia hoạt động. Hiện nay, khu vực đáy không có người và phương tiện hoạt động. Nếu phát hiện người và phương tiện tại khu vực này, Bộ Chỉ huy BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu chủ cơ sở đáy đưa phương tiện và lao động vào bờ trước 19 giờ ngày 9 -11.
Các sở, ngành, đơn vị tỉnh và các huyện, thị chủ động các phương án sơ tán dân khi xảy bão có cường độ từ cấp 9 trở xuống (trên 60.000 người) và trên cấp 9 (trên 147.000 người); lực lượng hỗ trợ sơ tán; tổ chức quản lý dân sơ tán.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Biên phòng chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan củng cố lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tham gia, tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Ngành Y tế rà soát, củng cố đội y tế lưu động, chuẩn bị cơ số phương tiện, vật tư, thiết bị, thuốn men, lực lượng y - bác sĩ; ngành Công an đảm bảo an ninh trật tư, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Sở NN&PTNTchủ trì phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng vật tư hộ đê.
Các huyện phía Tây chỉ đạo việc gia cố, nâng cấp đảm bảo cao trình thiết kế đối với các tuyến đê thấp để chống tràn, tổ chức lực lượng hộ đê. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi chủ động không để xảy ra ngập úng trong vùng dự án.
Báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với bão, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, sau khi nhận công điện của BCH PCLB &TKCN tỉnh, Gò Công Đông chỉ đạo trực ban 24/24 giờ; rà soát các phương tiện đánh bắt, kết hợp với lực lượng biên phòng thống kê, nắm lại tình hình phương tiện hoạt động trên biển và liên lạc đến các chủ phương tiện đánh bắt hướng dẫn phương tiện về nơi tránh trú; vận động nhân dân chằng chéo nhà cửa; thống kê lại những hộ sống ven sông, sống ngoài đê; thống kê số lượng dân và lên kế hoạch di dời dân bước 2; chuẩn bị sẵn sàng các điểm dân đến trú bão.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục duy trì chế độ trực, thường xuyên cập nhật thông tin về bão, theo dõi chặt chẽ các phương tiện đánh bắt; thực hiện nghiêm việc cấm biển và tiến hành cấm các hoạt động đò ngang, đò dọc khi có lệnh; sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu; kiểm tra các phương án phòng tránh bão và di dân.
Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, huyện cũng đang tiến hành rà soát các phương án phòng tránh; rà soát các phương tiện, lực lượng, vật tư, hậu cần; rà soát, liên lạc tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản; gia cố đê, vận động nhân dân chằng chéo nhà cửa. Theo khả năng “4 tại chỗ”, huyện sẽ tiến hành di dân tại chỗ khi bão ở cấp 9 đến cấp 11. Khi bão trên cấp 11, huyện phải xin ý kiến tỉnh cho sơ tán ra qua đất liền.
Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho cho biết, thành phố đã chỉ đạo cho phường Tân Long, xã Thới Sơn vận động người dân chằng chéo bè cá; vận động nhân dân không ở lại bè khi bão đến. Qua liên lạc, các tàu cá còn hoạt động trên biển đang ở vị trí an toàn, một số tàu đang vào bờ.
Đối với các tàu đang neo ở bờ, thành phố có hướng cho di dời lên khu vực Đồng Tâm khi xảy ra bão. Đối với 458 nhà sàn của dân dọc sông Tiền, sông Bảo Định, thành phố có kế hoạch di dời vào nhà văn hóa của các phường khi có dông to gió lớn. Riêng phường Tân Long hiện chỉ có 1 trường tiểu học đảm bảo trú ẩn an toàn, vì thế thành phố đã có phương án di dời dân ở những nơi, nhà không an toàn trên địa bàn phường này vào Nhà văn hóa phường 1 và Nhà Văn hóa thành phố khi xảy ra bão.
Hiện nay, thành phố tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão an toàn; có phương án di dời dân ở nơi nguy hiểm, sạt lở; rà soát lực lượng xung kích, phương tiện cứu hộ cứu nạn; cập nhật thường xuyên thông tin về bão cho nhân dân biết; bố trí 2 máy thông tin ở 2 cù lao để nối thông tin liên lạc với 2 nơi này khi xảy giông và bão.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức trực phòng chống bão 24/24 giờ; Thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin bão, thông báo trên các phương tiện truyền thông địa chúng, cho địa phương; đồng thời đối chiếu với tình hình địa phương để có kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời.
Dừng các hội nghị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão cho đến khi có thông báo mới; cấm các phương tiện đánh bắt xa bờ, gần bờ ra biển ngay từ chiều ngày 9-11; kêu gọi dân giữ nghêu, giữ đáy sông Cầu vào đất liền; tích cực công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trong vùng nguy hiểm nhanh chóng vào nơi trú ẩn.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng hoạt động đò qua Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vũng Tàu từ chiều ngày 9-11, tùy tình hình xem xét khả năng hoạt động của phà qua Bình Đại (Bến Tre). Đối với các bên đò ngang trên địa bàn tỉnh, các địa phương có bến đò ngang đang hoạt động cùng với Sở Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra về áo phao, độ an toàn của phương tiện và tiến hành xử lý theo thẩm quyền khi vi phạm. Khi nhận thấy việc hoạt động đò ngang nào không an toàn thì tiến hành cho ngưng hoạt động ngay.
BCH PCLB&TKCN tỉnh cùng các địa phương chuẩn bị phương án đảm bảo bố trí cho khoảng 1.500 tàu thuyền vào các điểm trú bão; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu, giữ gìn an ninh trật tự khu neo đậu, khi gió mạnh lên tuyệt đối không để có người ở lại tàu thuyền. Tiến hành ngay việc di dời dân ở nơi nguy hiểm, không an toàn, ngoài đê, nơi có khả năng sạt lở vào nơi an toàn.
Khi tình huống xấu xảy ra, BCH PCLB &TKCN tỉnh xin ý kiến tỉnh cho di dân từ cù lao, vùng ven biển Gò Công Đông, Tân Phú Đông vào nơi an toàn sâu trong đất liền và có phương án giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, nhu yếu phẩm nơi dân đến sơ tán.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngay trong chiều 9-11, các ngành, đơn vị, các cấp có liên quan phải báo cáo cho UBND tỉnh về công tác chuẩn bị lương thực thực phẩm, phương tiện, vật tư, máy móc, lực lượng hậu cần, lực lượng chi viện chuẩn bị ứng phó với bão; hướng dẫn người dân chằng chéo nhà cửa, bè cá. Các ngành, đơn vị chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra đê, cống thoát nước đảm bảo sản xuất, dân sinh.
Bộ Chỉ huy BĐBP chuẩn bị phương án sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, chỉ đạo các trường học phân công người có trách nhiệm trực, bảo vệ hồ sơ, máy móc, phương tiện, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân khi đến trú bão.
Bên cạnh phương án 1 đối với bão di chuyển theo hướng đã dự báo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang cũng yêu cầu các ngành liên quan, địa phương xây dựng phướng án 2 đối với tình huống bão đi lệch so với hướng dự báo. Ngoài ra, ông đề nghị các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương tăng cường chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão.
NGÔ TÔNG