Chủ Nhật, 24/11/2013, 06:05 (GMT+7)
.

Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo): Đồng tâm, hiệp lực xây dựng nông thôn mới

38 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Đăng Hưng Phước luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, ra sức thi đua lao động sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực, làm cho quê hương Đăng Hưng Phước anh hùng ngày càng khởi sắc. Năm 1998, Đăng Hưng Phước được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và đến năm 2013 xã lại vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm đầu mới giải phóng, Đăng Hưng Phước gặp vô vàn khó khăn. Lúc đó, người dân nơi đây chỉ sản xuất được một vụ lúa, không đủ ăn. Không chịu đói kém, Đảng bộ, chính quyền xã đã cùng nhân dân chung tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ sản xuất lúa một vụ nâng lên 2-3 vụ/năm; trồng xen màu dưới chân ruộng; vùng nào không phù hợp trồng lúa thì chuyển đổi sang trồng dừa, thanh long; tăng sản lượng đàn gia súc, gia cầm… Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nhà Văn hóa xã vừa được đầu tư xây dựng.
Nhà Văn hóa xã vừa được đầu tư xây dựng.

Những năm gần đây, Đăng Hưng Phước được nhiều nơi biết đến, bởi xã có phong trào nuôi bò và trồng thanh long phát triển khá mạnh. Từ những phong trào, mô hình hay mà nhiều hộ nông dân đã vượt khó, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Xã hiện có 159ha chuyên canh thanh long; đàn bò  duy trì từ  4.500 - 4.750  con, trong đó có 376 bò sữa. Ghé thăm gia đình chú Lê Văn Bé Ba, ấp Bình An, chúng tôi chứng kiến đàn bò sữa 8 con của gia đình chú đều to béo, khỏe mạnh.

Vừa mang cỏ cho đàn bò ăn, chú phấn khởi cho biết: “Chú chỉ mới nuôi bò vài năm trở lại đây, nhưng cho hiệu quả rất cao. Bò nái nếu đẻ ra bò cái thì chú để nuôi, còn đẻ bò đực thì chú bán. Nuôi bò sữa vừa có thể bán được bò thịt và sữa. Là một thương binh, chú quyết tâm khắc phục khó khăn làm giàu cho gia đình và xã hội”.

Từ ý thức đó, nhiều nông dân khi đã xây dựng cho mình cuộc sống khá giả còn giúp đỡ nhiều người xung quanh về cây con, giống. Làm cho diện mạo nông thôn Đăng Hưng Phước ngày càng khởi sắc, những con đường nhựa sạch đẹp nối thẳng đến những ngôi nhà mới khang trang.

Ông Lê Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã hiện có 80% hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế. Nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hàng năm có 310 ha trồng màu xen chân ruộng, thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Tính bình quân đầu người đạt 15,5 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,62%, mỗi năm thoát nghèo cho 26 hộ. Xã có tỉnh lộ 879C ngang qua, thuận lợi cho vận chuyển giao lưu hàng hóa; phía bắc giáp với xã Long Trì (tỉnh Long An) càng thuận lợi hơn cho việc giao thương với Long An và TP. Hồ Chí Minh; chợ Ông Văn có từ lâu đời, các vùng lân cận đều biết tiếng.”

Một thành tựu quan trọng nữa của xã, đó là kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Từ một xã kết cấu hạ tầng yếu kém do bị chiến tranh tàn phá, bằng sức mạnh nội lực và sự hỗ trợ của cấp trên, giao thông nông thôn phát triển mạnh, các đường liên ấp được nhựa hóa, đường liên xóm đổ dal thuận lợi cho bà con đi lại, trên 90% hộ có phương tiện giao thông và phương tiện nghe nhìn.

Các phong trào và đoàn thể hoạt động tốt, luôn đạt danh hiệu vững mạnh hoặc xếp hạng cao của huyện. Giáo dục đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở; y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia. Có 100% hộ dân đăng ký và đạt hộ gia đình an toàn về an ninh trật tự; nhiều năm liền được công nhận là xã không có tệ nạn ma túy, trật tự giao thông được quan tâm và không có trường hợp vi phạm buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường.

Được biết, Đăng Hưng Phước đã được công nhận Xã Văn hóa vào cuối năm 2012. Theo thẩm định bước đầu của huyện thì xã đã đạt được 7/19 tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm: thủy lợi, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và an ninh trật tự.

Năm 2012 có 100% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và có 91,03 % gia đình đạt 3 tiêu chuẩn. Các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã đều tham gia tích cực và đạt danh hiệu cơ quan văn hóa năm 2013; xã phấn đấu đạt tiêu chí “quy hoạch sử dụng đất” và xã cũng đang tiến hành đầu tư cải tạo lại lưới điện..

Công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ chính sách khó khăn về nhà ở được xã đặc biệt quan tâm. Xã có 333 gia đình chính sách, trong đó có 16 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện tại còn sống 1 mẹ. Hàng năm có 3 ngày giỗ hội truyền thống cúng liệt sĩ ở ấp Bình Ninh (26 tháng chạp), ấp Đăng Nẵm (24-10 âl) và UBND xã tổ chức cúng liệt sĩ ngày 27-7.

Xã đã sửa chữa, xây mới 80 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà 167 cho gia đình chính sách, hộ nghèo; thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Các tiêu chí về hoạt động văn hóa, thể thao đều đạt, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú cho nhân dân. Nhà Văn hóa của xã cũng đã được xây cất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các câu lạc bộ: hoa kiểng, đờn ca tài tử, thể dục dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ, võ thuật… hoạt động hiệu quả.

Ông Lê Văn Tạo phấn khởi bộc bạch: “Có được những thành quả như ngày hôm nay, đó là nhờ sự quan tâm của các cấp, sự nhất trí, đoàn kết giữa nhân dân và chính quyền xã cùng sự đồng thuận cao của nhân dân. Tất cả cùng chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn. Lãnh đạo và nhân dân trong xã càng nỗ lực hơn nữa để xây dựng gia đình ấm no, xã hội an ninh, quê hương giàu đẹp”.

Từ đó, kinh tế - xã hội của Đăng Hưng Phước đã có rất nhiều thay đổi. Thành tựu đạt được đã tạo nên  bức tranh nông thôn ngời sáng, tạo thế và lực mới, làm nền tảng vững chắc cho xã thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới.

P. MAI

.
.
.