Hậu Mỹ Bắc A hôm nay
Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) trước đây từng được xem như vùng rốn lũ của Đồng Tháp Mười. Còn nhớ, trong những trận lũ lịch sử gây nhiều thiệt hại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như năm 1978, 2000... có dịp đến với miền đất này lúc đó, người ta không khỏi nao lòng khi chứng kiến cả một vùng rộng lớn chìm dưới biển nước mênh mông; bà con nháo nhác lo chạy lũ bỏ nhà cửa. Chợ Thiên Hộ, trung tâm xã lúc đó giống như một ốc đảo chơ vơ giữa bốn bề nước trắng xóa. Thiệt hại do nước lũ thật không thể nào kể xiết.
Ngày nay, Hậu Mỹ Bắc A đã sang một trang sử mới. Ruộng vườn tươi tốt, người dân an cư lạc nghiệp, hộ giàu và khá tăng nhanh, hộ nghèo khó ngày một giảm, cơ sở hạ tầng được kiện toàn đã tạo diện mạo mới cho nông nghiệp - nông thôn vùng đất khó ngày nào. Tất cả có được nhờ chủ trương “chung sống với lũ” thực sự đi vào đời sống với những cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả.
Thu hoạch cá giống. |
CÁNH ĐỒNG LÚA + CÁ = 100 TRIỆU ĐỒNG /HA
Về thăm Hậu Mỹ Bắc A vào những ngày cao điểm mùa lũ, chúng tôi thích thú khi được tham quan mô hình cánh đồng lúa + cá = 100 triệu đồng/ha, được tận mắt chứng kiến những thay đổi ở một trong những nơi khó khăn nhất của xã và cũng là khó khăn nhất ở địa bàn ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: ấp Mỹ Chánh 4.
Theo lời kể của những “lão nông tri điền” ở đây, ấp này ngày trước thuộc địa bàn bưng trũng, nhiễm phèn nặng điển hình của vùng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, nước ngập sâu cả mét nên gần như không thể cày cấy được. Do đặc thù như thế, đồng đất ấp Mỹ Chánh 4 chỉ có thể canh tác mỗi năm có 1 vụ lúa nổi.
Thời gian còn lại bà con phải làm đủ thứ công việc để kiếm sống, rất vất vả. Đúc kết kinh nghiệm sản xuất thực tế, đồng thời phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi thoát lũ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân do Nhà nước đầu tư, nông dân Mỹ Chánh 4 nghiên cứu thay vì chuyển đổi lên canh tác 3 vụ lúa/ năm lại áp dụng mô hình luân canh lúa + cá trên chân ruộng nhằm cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ” mà những người đi đầu thực hiện phải kể đến ông Âu Văn On và anh Lê Quốc Vũ...
Anh Lê Quốc Vũ kể, gia đình anh có 10.000 m2 đất ruộng chủ yếu độc canh cây lúa, đời sống rất khó khăn. Nhận thấy lợi ích từ mô hình canh tác mới vừa khắc phục được hậu quả thiên tai, vừa giúp ổn định cuộc sống, anh mạnh dạn chuyển sang luân canh lúa + cá.
Cụ thể, trong vụ đông xuân anh trồng lúa năng suất cao, sang các vụ tiếp theo trong năm thì tu sửa bờ bao, đưa con cá lên ương dưỡng trên ruộng thành cá giống để cung ứng cho thị trường nuôi cá nước ngọt tại ĐBSCL. Các loại cá giống ương dưỡng trên ruộng như mè, chép, tai tượng, trôi, trắm cỏ.... Trung bình, có thể quay từ hai đến ba vòng cá giống trên ruộng trong một năm, chưa kể sản xuất lúa đông xuân.
Với mô hình mới, anh nhận được lợi ích kép: Sau vụ đông xuân, nhờ mùn bả hữu cơ và gốc rơm rạ phân hủy trong nước bổ sung nguồn thức ăn cho cá. Khi thả cá, tùy theo vụ thả những giống cá hợp lý nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của loại cá này dành cho loại cá khác... Chưa kể, khi canh tác lúa còn giảm được lượng phân, lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Trên các bờ bao xung quanh ruộng không chỉ ngăn lũ, giữ nước mà còn có thể trồng các loại cây ăn trái thích hợp như chuối già, chuối xiêm, chuối sáp... tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Anh Lê Quốc Vũ hạch toán cho thấy, với cách làm bài bản trên, mô hình lúa + cá cho lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng/ ha, cao gấp ba lần độc canh cây lúa trước đây.
Còn theo ông Âu Văn On, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Hậu Mỹ Bắc A, từ hiệu quả trông thấy kể trên, mô hình lúa + cá đang được nhân rộng ra phạm vi toàn xã và các vùng lân cận. Chỉ riêng trên địa bàn Hậu Mỹ Bắc A có hàng trăm hộ áp dụng thành công mô hình lúa + cá trên diện tích khoảng 100 ha, cho sản lượng mỗi năm 400 tấn cá giống các loại, gần 900 triệu con cá bột, thu lãi mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Chỉ riêng trên địa bàn ấp Mỹ Chánh 4 đã cơ bản định hình một trong những cánh đồng thu nhập 100 triệu đồng/ ha đầu tiên của tỉnh với mô hình lúa + cá rất độc đáo.
HẬU MỸ BẮC A HÔM NAY
Hôm nay, sau 13 năm kể từ trận lũ lịch sử năm 2000, Hậu Mỹ Bắc A đã thực sự khoác lên một màu áo mới. Vùng đất gian khó một thời đã thực sự thay đổi theo chiều hướng đáng mừng bởi những kinh nghiệm “chung sống với lũ” đang được nhân rộng trong nỗ lực khai thác các tiềm năng đất đai, lao động.
Một trong những nơi đang tích cực thay đổi theo cách làm ăn mới: ấp Mỹ Chánh 5 - một ấp có thể nói “song sinh” với ấp Mỹ Chánh 4 bởi điều kiện địa hình, đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi. Thế mà hôm nay, đến với Mỹ Chánh 5 đã có đường sá khang trang, trải đá hẳn hoi thuận tiện cho xe 2, 3 bánh lưu thông quanh năm.
Mùa nầy, dọc theo con đường vốn cũng là đê bao chống lũ cứ từng quãng ngắn lại gặp những cống đập ngăn lũ đầu các kinh nội đồng bảo đảm ngăn lũ, phòng chống thiên tai, bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Mao, một nông dân cư ngụ lâu đời ở ấp Mỹ Chánh 5 cho biết, gia đình ông cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình độc canh cây lúa sang lúa + cá mấy năm nay và năm nào cũng thành công lớn. Với diện tích đất canh tác 8.000 m2 mỗi năm ông thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng từ nguồn lợi cá giống và lúa năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A cho biết, nói đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội hôm nay của xã không thể không nói đến hiệu quả mô hình lúa + cá. Mới đây, xã đã được tỉnh đầu tư dự án kiện toàn cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá giống Hậu Mỹ Bắc A với tổng nguồn vốn đầu tư 27 tỷ đồng gồm: làm đường, đê bao, các công trình phụ trợ khác... Nhờ vậy, đưa Hậu Mỹ Bắc A trở thành vùng trọng điểm về sản xuất giống cá nước ngọt của tỉnh cung ứng cho nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt tại ĐBSCL và một số khu vực khác.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngoài hai ấp Mỹ Chánh 4 và Mỹ Chánh 5 được xác định là trọng điểm về mô hình lúa + cá, 3 ấp còn lại: Hậu Phú I, Hậu Phú II, Hậu Phú III định hình vùng trồng lúa thâm canh năng suất cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tại đây, những năm gần đây lũ lụt không còn là mối lo lớn như trước nữa bởi những công trình đê bao ngăn lũ, kinh mương thoát nước... đang được kiện toàn, phát huy vai trò phục vụ sản xuất cũng như phòng, chống thiên tai.
Những năm lũ nhỏ như: 2011, 2012, 2013 bà con còn cảm thấy hơi buồn và thiệt thòi bởi thiếu phù sa bồi bổ cho đất đai, nguồn thủy sản nước ngọt nội đồng hạn chế khiến thu nhập từ đánh bắt thủy sản mùa lũ ngày một thấp hẳn đi.
Mới đây, Hậu Mỹ Bắc A cũng đã tổng kết hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 với những kết quả đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 9,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng/ năm, hộ dân dùng điện lưới quốc gia đạt 99,91%, 220 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,3% và giảm 0,6% so với đầu nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn lực huy động được đã mang lại những đổi thay sâu sắc trong diện mạo nông thôn mới ở Hậu Mỹ Bắc A.
Từ nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp đóng góp của nhân dân, Hậu Mỹ Bắc A đã xây dựng 3,8 km đường giao thông nông thôn, bắc 5 cầu dân sinh kiên cố với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Xã đang nỗ lực để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2015 tăng trưởng bình quân từ 13 - 14%/ năm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên 25 triệu đồng/ năm vào năm 2015, giảm hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 7,5%...
Với những bài học kinh nghiệm đạt được trong thời kỳ đổi mới đất nước và thực tiễn “chung sống với lũ” những năm vừa qua, Hậu Mỹ Bắc A chắc chắn sẽ sớm trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội vùng ngập lũ phía Tây của tỉnh trong một tương lai không xa.
MỘNG TUYẾT