Thứ Sáu, 08/11/2013, 08:14 (GMT+7)
.

Hội CCB xã Đồng Sơn: Vì bình yên sông nước

AN TOÀN KHI ĐI ĐÒ

Tại xã Đồng Sơn có 3 bến đò: Chợ Dinh, Ninh Đồng và Thanh Vĩnh Đông với 8 km đường sông. Bến đò Thanh Vĩnh Đông giáp với xã Thanh Vĩnh Đông (Châu Thành, Long An), là tuyến đường có thể đến TP. Hồ Chí Minh, nên lưu lượng xe và hành khách qua bến đò này rất đông. Hàng ngày có hàng trăm lượt khách qua lại, nên việc đảm bảo trật tự, an toàn tại bến đò là rất cần thiết.

Trên đò, có bố trí một sọt đựng áo phao, khi hành khách xuống đò thì chủ đò phát cho mỗi người một áo phao và trước khi đi lên bờ hành khách sẽ trả lại áo phao cho hành khách kế tiếp. Đây là một việc làm tuy mất chút ít công sức nhưng đảm bảo an toàn được tính mạng của người đi đò. Lực lượng CCB xã cũng như Công an xã thường xuyên có mặt ở bến đò để kiểm tra, giám sát việc hành khách mặc áo phao cũng như tuyên truyền người dân nhận thức được mặc áo phao là rất cần thiết.

Ông Hồ Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: “Hiện tại các bến đò cơ bản đã được trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách. Ngoài việc vận động người dân khi đi đò phải mặc áo phao thì lực lượng CCB cũng như Công an xã thường xuyên nhắc nhở chủ đò không được chở quá nhiều và nhắc nhở người đi đò khi đã thấy đò đủ người thì không được xuống đò mà phải đợi đến lượt sau”.

Ông Hồ Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB xã hướng dẫn hành khách cách mặc áo phao.
Ông Hồ Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB xã hướng dẫn hành khách cách mặc áo phao.

Tuyến sông Tra khá rộng và tàu thuyền lưu thông nhiều, nhất là các sà lan chở cát, đá, nên tại bến đò Ninh Đồng lúc nào cũng trong tình trạng nguy hiểm. Điều đáng nói, đò tại bến Ninh Đồng chỉ là một chiếc láng nhỏ. Bến Ninh Đồng đặc biệt là bến đưa rước hơn 70 em học sinh đi học mỗi ngày tại trường Tiểu học Đồng Sơn 2.

Thấy được sự nguy hiểm đó, nhiều năm nay CCB xã cũng như các ngành cùng nhà trường vận động trang bị áo phao cho các em học sinh. Hiện tại các em học sinh của trường đã có đầy đủ áo phao.

Trung tá Lê Văn Mong, Trưởng Công an xã Đồng Sơn cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; quảng bá sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện và hành khách thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú”.

AN TOÀN TRƯỚC KHI XUỐNG ĐÒ

Không chỉ để hành khách an toàn khi đi đò mà còn phải an toàn trước khi xuống đò. Ông Hồ Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB xã khẳng định: “Những năm trước để vận động được người đi đò mặc áo phao qua sông thật khó. Họ đều cho rằng không cần thiết, rất vướng víu. Sau nhiều lần nhắc nhở, vận động, thậm chí kiên quyết không cho qua sông nếu hành khách nào không chấp hành, thì nay việc sử dụng dụng áo phao đã trở thành nền nếp, thói quen không thể thiếu của mỗi hành khách”.

Một hành khách đi đò cho biết: “Khi xuống đò, chủ đò nhắc nhở phải mặc áo phao, phát tờ rơi tuyên truyền về một số biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông. Nhờ vậy, chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm, nhất là trong mùa mưa lũ khi mực nước sông đang dâng cao”.

Còn tại trường Tiểu học Đồng Sơn 2, nhà trường trang bị áo phao cho từng em để mặc từ nhà tới trường và từ trường về nhà. Cô Lê Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước khi ra về các em mặc áo phao ngay tại lớp học, còn trước khi đi học các em mặc áo phao ở nhà. Điều đó đã trở thành thói quen, nên không em nào quên áo phao. Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền đến các em về an toàn giao thông đường thủy, các biện pháp phòng tránh đuối nước vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Đảm bảo an toàn cho các em trước khi xuống đò”.

Em Thanh Vân, lớp 52 của trường vừa mặc áo phao vừa cho biết: “Tụi em quen rồi, đi học mà không mặc áo phao là không được, vì mặc áo phao là để bảo vệ tính mạng cho mình”. Hay em Ngọc Hân lớp 4 thì vui vẻ: “Em được mặc áo phao và được thầy cô nhắc nhở học bơi nên em cũng thấy yên tâm khi đi đò”.

Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã trở thành phong trào rộng khắp. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động không chỉ tại xã Đồng Sơn mà ngành chức năng, chính quyền xã trong tỉnh có tuyến sông đi qua cần tích cực hơn nữa trong việc nhân rộng các mô hình: “Bến đò văn hóa, an toàn; đoạn sông tự quản an toàn; bến đò kiểu mẫu; chủ phương tiện gương mẫu; người dân gương mẫu... góp phần đưa văn hóa giao thông với bình yên sông nước thực sự đi vào cuộc sống.

P. MAI

.
.
.