Hội Luật gia tỉnh: Tạo "cầu nối" để đưa pháp luật đến với nhân dân
Trong thời gian qua, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và các cấp Hội Luật gia đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia các cấp phối hợp với MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành Tư pháp, các đoàn thể quần chúng, cơ quan thông tin đại chúng áp dụng nhiều hình thức thích hợp, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, hội viên Hội Luật gia, tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh công tác TTPBGDPL.
Các cấp Hội Luật gia đã vận dụng nhiều hình thức TTPBGDPL phù hợp với từng đối tượng, chủ yếu là thực hiện “lồng ghép” trong tuyên truyền miệng, họp tổ hội, chi hội, họp xóm, ấp, sinh hoạt CLB Pháp luật. Chính vì vậy, công tác TTPBGDPL đạt chất lượng cả chiều sâu và chiều rộng, hiệu quả tốt hơn thời gian trước.
Các cấp Hội Luật gia còn phối hợp thông tin trên báo, đài, góp phần đưa pháp luật đến với nhân dân, động viên phong trào toàn dân tôn trọng, chấp hành pháp luật. Thực hiện chương trình, kế hoạch của Hội đồng Phối hợp PBGDPL và Kế hoạch hướng dẫn thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” của UBND tỉnh và Chương trình “Một tăng, bốn giảm” của Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cấp hội từ tỉnh đến huyện và cơ sở tập trung thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, trong thời gian qua, các cấp hội đã phối hợp với MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành Tư pháp, các đoàn thể quần chúng tổ chức 28.589 cuộc họp, với 1.298.996 lượt quần chúng dự học tập các văn bản pháp luật của Nhà nước.
Nội dung TTPBGDPL tập trung vào các văn bản luật mới được Quốc hội ban hành, các pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và văn bản pháp quy của chính quyền, góp phần nâng cao hiểu biết, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và nâng cao tinh thần tôn trọng, chấp hành pháp luật trong nội bộ và nhân dân.
Về hình thức tuyên truyền pháp luật, Hội Luật gia các cấp đã vận dụng nhiều hình thức phù hợp, chủ yếu là “lồng ghép” trong các cuộc họp ở xóm ấp, khu phố để triển khai các văn bản, với các hình thức như: Tuyên truyền miệng, họp tổ hội viên, chi hội, sinh hoạt CLB Pháp luật, thông qua Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý khu vực các huyện…
Hội Luật gia tỉnh cũng đã mở rộng phát hành tờ thông tin pháp luật nội bộ của Tỉnh hội, nhằm góp phần cung cấp cho người đọc các kiến thức về pháp luật.
Để phục vụ cho các cấp hội và hội viên có tư liệu tuyên truyền pháp luật, Tỉnh hội đã thường xuyên tổ chức sinh hoạt CLB Pháp luật. Trong thời gian qua, có hơn 360 cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật dự. Để tạo thêm lực lượng tuyên truyền pháp luật, Hội Luật gia các cấp đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành Tư pháp, các đoàn thể quần chúng tạo thêm sức mạnh để TTPBGDPL trong hội viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được Hội Luật gia các huyện (thành, thị) và Chi hội Luật gia ngành tỉnh, huyện làm nòng cốt, phổ biến pháp luật trong cán bộ, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tích cực đưa pháp luật đến cán bộ, công chức và nhân dân.
Về công tác tuyên truyền pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, khi Ban công tác Mặt trận, Ban Tư pháp - Hộ tịch cơ sở có yêu cầu, cán bộ, hội viên Hội Luật gia cơ sở đã phối hợp thực hiện hòa giải các tranh chấp nhỏ trong nhân dân.
Trong thời gian qua, Hội Luật gia đã tham gia hòa giải 1.509 vụ việc tranh chấp, trong đó hòa giải thành 920 vụ việc, chiếm 60,97% tổng số vụ. Thông qua công tác hòa giải, cán bộ, hội viên luật gia lồng ghép tuyên truyền pháp luật, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong nhân dân, xây dựng gia đình, ấp (khu phố) và xã (phường, thị trấn) văn hóa.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại công tác TTPBGDPL của Hội Luật gia trong thời gian qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Trước hết là nội dung TTPBGDPL chưa phù hợp với từng đối tượng quần chúng ở cơ sở.
Về hình thức tuyên truyền pháp luật thiếu hấp dẫn; việc cung cấp thông tin, tài liệu cho cán bộ, hội viên ở cơ sở còn ít; kinh phí phục vụ cho công tác TTPBGDPL còn hạn chế, đặc biệt là Hội Luật gia ở cơ sở xã (phường, thị trấn) chưa được cấp kinh phí cho công tác TTPBGDPL.
Mặt khác, trình độ, kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật ở một bộ phận cán bộ, hội viên luật gia cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, từ đó dẫn đến hiệu quả đạt còn thấp; một số Hội Luật gia cơ sở chưa làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong công tác TTPBGDPL và còn một bộ phận nhân dân hiểu biết pháp luật chưa sâu, chấp hành pháp luật chưa nghiêm…
TRỌNG NGUYỄN