Hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL Vĩnh Long 2013 (MDEC - Vĩnh Long 2013), Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) và An sinh xã hội (ASXH) vùng ĐBSCL là sự kiện mở màn trong chuỗi sự kiện MDEC lần này.
Mục đích của hội nghị năm nay là giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm thu hút đầu tư, tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; đồng thời Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ công bố và trao Quỹ ASXH cho vùng ĐBSCL, cùng với đó là phát động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước chung tay góp sức thực hiện ASXH cho vùng ĐBSCL.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua 6 năm phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã vận động các ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước hỗ trợ kinh phí ASXH cho toàn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008-2013 lên đến 1.800 tỷ đồng.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh thăm hỏi gia đình chính sách. Ảnh: H. Nga |
Nguồn vốn trên được tập trung chủ yếu cho việc xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; xây dựng trường học, trạm y tế, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; tặng quà cho các hộ nghèo, chính sách trong các dịp lễ, Tết ở các địa phương nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số... Trong đó, giai đoạn 2008-2012, ngành Ngân hàng đã tài trợ ASXH cho vùng ĐBSCL 1.310 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị tài trợ.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL về hoạt động kêu gọi XTĐT, tính đến cuối tháng 8-2013 có 139 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư với tổng số tiền 410 ngàn tỷ đồng và 1,9 tỷ USD. Riêng công tác chuẩn bị cho Chương trình ASXH vùng ĐBSCL năm 2013, tính đến cuối tháng 8 kết quả đăng ký và thực hiện đạt 590,885 tỷ đồng, trong đó phần lớn là sự hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại cổ phần và Ngân hàng Nhà nước.
Từ nguồn hỗ trợ này, trên địa bàn TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và một số tỉnh trong vùng đã khởi công xây dựng trường học, các tuyến đường giao thông. Các doanh nghiệp cũng đã đăng ký hỗ trợ 47 tỷ đồng. TP. Hà Nội đã chốt mức hỗ trợ 5 tỷ đồng và cam kết tiếp tục vận động cho an sinh vùng ĐBSCL.
Nhờ sự đóng góp, ủng hộ tích cực của các địa phương, đơn vị, ngân hàng đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Chính phủ đối với công tác ASXH, xóa đói giảm nghèo khu vực ĐBSCL. Trong đó, nhiều huyện, xã nghèo của vùng ĐBSCL đã cơ bản xóa hết nhà tạm cho các hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo trong vùng được cải thiện rõ rệt.
Nằm trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ASXH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 của tỉnh là 8,03% và ước thực hiện trong năm 2013 sẽ giảm còn 6,27%. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, số lao động được tạo việc làm bình quân hàng năm khoảng 21.590 lao động, trong đó đầu tư phát triển kinh doanh là 10.500 lao động; hỗ trợ việc làm từ các dự án cho vay là 11 ngàn lao động; xuất khẩu lao động là 90 lao động. Từ đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của tỉnh xuống còn 2,62%.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công của tỉnh đang hướng đến hai mục tiêu cơ bản là: Thực hiện công bằng xã hội, phát huy truyền thống đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tôn vinh những người đã hy sinh công sức và một phần xương máu của mình cho đất nước; bảo đảm mức sống của các gia đình người có công bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Tiền Giang hiện có 120 ngàn người có công với cách mạng. Tổng số đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần là 70.400 người; có 24.500 người là thân nhân của các liệt sĩ hy sinh trước năm 1975 đã được trợ cấp.
Tỉnh đã thực hiện công tác vận động “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” lũy kế đến nay được trên 13 tỷ đồng, đạt 145% so với kế hoạch năm. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã thực hiện việc chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa ngày càng thiết thực, chu đáo hơn.
Năm 2013, toàn tỉnh có 312 căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới, với tổng kinh phí 10,6 tỷ đồng và sửa chữa 108 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.772 Mẹ Việt Nam anh hùng và hiện còn sống là 122 Mẹ, đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đến nay tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ vốn vay hộ nghèo xây dựng nhà ở được 11.355 căn nhà, với tổng kinh phí 90,82 tỷ đồng, đạt 108,2% so với Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt.
Theo ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013, thông qua diễn đàn năm nay, các nhà đầu tư, các bộ, ngành sẽ đưa ra những giải pháp cần thiết để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động ASXH, góp phần giải quyết khó khăn cho người dân trong vùng ĐBSCL. |
Các chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội, cả thường xuyên và đột xuất được tỉnh triển khai thực hiện rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng.
Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và số người được thụ hưởng cũng tăng: Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng của toàn tỉnh (tính đến tháng 11-2013) là 60.711 người, với tổng kinh phí thực hiện 159,5 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngân sách tỉnh đã đầu tư 71,8 tỷ đồng để mua 121.200 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người nghèo của tỉnh…
Theo UBND tỉnh, năm 2013 tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương về công tác ASXH. Trong đó, về cho vay hỗ trợ việc làm, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải ngân 21,7 tỷ đồng (vốn Trung ương 19,2 tỷ đồng, vốn địa phương 2,5 tỷ đồng).
Riêng về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, trong năm 2013, huyện Tân Phú Đông được Trung ương đầu tư 19,596 tỷ đồng (từ nguồn vốn theo Quyết định 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng). Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng 4 công trình gồm đường giao thông liên ấp, liên xã và Trung tâm dạy nghề của huyện.
Ngoài ra, trong năm 2013, 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh còn được Trung ương đầu tư 11,957 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các xã đã tiến hành xây dựng 18 công trình gồm xây đường giao thông liên ấp, liên xã. Trong đó, 11 tỷ đồng dùng cho đầu tư các công trình mới và 957 triệu đồng để sửa chữa những công trình được xây dựng trước đây nay đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Những kết quả về ASXH mà tỉnh Tiền Giang thực hiện đạt được đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định chính trị tại địa phương.
PHƯƠNG NGHI