Liên kết vì chất lượng sống và văn minh đô thị
ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt và lưu thông với nhau; giải quyết các vấn đề môi trường đô thị không chỉ riêng của từng địa phương mà có liên quan, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Vì thế, vấn đề liên kết phát triển các đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh đặt ra rất thiết thực và cấp bách.
Vấn đề này đã trở thành một trong những chủ đề hội thảo trong Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2013 diễn ra tại Vĩnh Long . Hy vọng qua hội thảo, các đô thị trong khu vực sẽ có sự liên kết chặt chẽ trong việc tìm giải pháp về vấn nạn môi trường để cùng hình thành nên những đô thị “đáng sống”.
Trồng cây xanh trên các tuyến đường, công viên; khu, cụm công nghiệp… là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm tác động bất lợi của môi trường lên con người. |
1. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, các khu, cụm công nghiệp, nhà máy “mọc” lên khắp nơi ở ĐBSCL và thường nằm trong hoặc gần các đô thị; mức độ đô thị hoá diễn ra khá nhanh gây áp lực lên các đô thị trong vùng, trong khi các hoạt động dịch vụ đô thị phát triển không theo kịp dẫn đến phát sinh các vấn nạn về môi trường.
Theo Hội Sinh vật cảnh TP. Mỹ Tho, những năm qua, kinh tế thị trường phát triển nhanh, các khu, cụm công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều; các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể xen các khu dân cư, nhiều nhà cao tầng mọc lên; dân cư tập trung đông đúc, số lượng xe cộ lưu thông dày đặc ở các đô thị. Sự phát triển đó đã nảy sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Dưới sự phát triển xã hội và tác động của con người, các yếu tố tự nhiên đang mất dần. Khí hậu thay đổi, thời tiết bất thường cộng với nhiều nguồn ô nhiễm (nguồn nước, rác, khí thải, khói bụi, tiếng ồn) là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân tại các đô thị mắc các bệnh về phổi, tâm thần và tim mạch, mất ngủ... ngày càng nhiều.
Hầu hết các đô thị, chợ, khu dân cư ở ĐBSCL đều nằm ven sông, rạch cùng với xả nước thải sinh hoạt, vứt rác xuống các sông, rạch làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Những năm gần đây, khu dân cư, khu đô thị mọc lên ở các tỉnh, thành phố trong khi việc xử lý nước thải, môi trường chưa theo kịp làm cho tình trạng ô nhiễm tại các đô thị, sông ngòi ngày càng nghiêm trọng. Số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch gần một số đô thị vùng ĐBSCL thời gian gần đây cho thấy hàm lượng các chất BOD, SS, N-NH3, amoniac, coliforms... đều cao hơn ngưỡng cho phép. Các đô thị cũng đang bị ô nhiễm bụi do hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng... Nồng độ khí SO2, CO, NO2 trong không khí đã vượt tiêu chuẩn cho phép.
Nguyên nhân của thực trạng này là do các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp muốn thu hút nhanh nhà đầu tư nên xây dựng đến đâu kêu gọi đầu tư đến đó trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý chưa hoàn chỉnh; một số doanh nghiệp do ngán ngại vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải lớn và chi phí vận hành cao nên vẫn xả nước thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.
2. TP.Mỹ Tho và các khu vực xung quanh đang chịu áp lực về nguồn nước, mùi từ các khu, cụm công nghiệp nằm trong hoặc gần thành phố như Khu công nghiệp Mỹ Tho; các Cụm công nghiệp: Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận; các doanh nghiệp hoạt động rải rác trong thành phố và khu vực xung quanh…
Ngoài ra, thành phố có trên 450 căn nhà sàn cặp sông Tiền, sông Bảo Định cũng góp phần gây ô nhiễm nguồn nước sông nặng thêm. Dù thời gian qua, tỉnh và thành phố nỗ lực ngăn chặn các hoạt động gây giảm sút môi trường trong các khu vực này nhưng dường như tình hình vẫn chưa khả quan.
Còn ở TP. Cà Mau có hàng ngàn căn nhà ven sông, rạch gây nên tình trạng ô nhiễm cho thành phố vùng đất mũi. TP. Cần Thơ cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, rạch do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp... Đây là cũng là thực trạng chung mà các đô thị ở ĐBSCL đang gánh chịu.
Giải pháp cho vấn nạn này, Cần Thơ, Cà Mau đang xây dựng các dự án cải tạo môi trường đô thị. Các đô thị còn lại trong khu vực đang nỗ lực tìm, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đô thị mình. Tuy nhiên, do cách làm mỗi nơi mỗi kiểu, mang tính xử lý cấp thời, cục bộ và chưa có hướng đi, giải pháp để phát triển hệ thống đô thị một cách bền vững. Trong khi ô nhiễm ở các đô thị trong khu vực không còn là vấn đề riêng của địa phương nào mà có liên quan, ảnh hưởng với nhau (ở ĐBSCL có những khu vực nhiều đô thị nằm trên 1 nhánh sông); cần có sự liên kết với nhau.
Đô thị hướng đến nền kinh tế xanh được cho là hướng phát triển bền vững cho các đô thị trong vùng. Đó là các đô thị mà các hoạt động kinh tế, xã hội được giảm đến mức tối thiểu tác động xấu đến môi trường. Ở đó, công nghệ “sạch” được áp dụng phổ biến vào sản xuất, các chất thải độc hại được đảm bảo xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường.
Để giảm tác động do tình trạng môi trường ngày càng xấu đi đối với con người, các nhà chuyên môn cho rằng cần tạo mảng xanh cho đô thị bằng cách trồng cây xanh phù hợp trên các đường phố, công viên, khu và cụm công nghiệp...
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ tiêu về diện tích cây xanh trên đất tự nhiên của các đô thị Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cây xanh chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các đô thị hiện nay trên thế giới.
Còn trong tỉnh, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công chưa hình thành được hệ thống trồng cây xanh; diện tích đất dành cho công viên, cây xanh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhằm đầu tư phát triển cây xanh đô thị phục vụ lợi ích cộng đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị.
N.VĂN