Thứ Năm, 28/11/2013, 05:46 (GMT+7)
.

Ngành GD&ĐT: Vai trò của nữ giới ngày càng được phát huy

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là ngành đặc thù, với tỷ lệ nữ nhiều hơn nam thì việc đảm bảo bình đẳng giới (BĐG) là một việc khá khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ và nâng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ, giúp nữ giới từng bước nâng cao vị thế của mình trong ngành.

Ảnh: Đức Lập
Ảnh: Đức Lập

Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) của ngành cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành GD&ĐT đặt ra 7 mục tiêu nhằm nâng cao trình độ, phát huy vai trò, khẳng định vị trí của nữ giới nhằm đảm bảo BĐG trong ngành, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu VSTBPN. Sau 2 năm thực hiện, các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành, vai trò của phụ nữ ngày càng được phát huy trong toàn ngành.

Trong thời gian qua, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị cũng như giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm… luôn được ngành chú trọng. Tính đến nay, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng đạt 21,5% (vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đến 10%); tỷ lệ nữ là cán bộ cấp sở đạt 25%, cấp phòng và tương đương chiếm 22,6%; cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị của ngành đạt 58%.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã có nhiều cố gắng tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt là học sinh nữ tham gia học tập, có kiến thức để có cơ hội tham gia các thị trường lao động phổ thông, lao động giản đơn cũng như lao động có kỹ năng và trình độ chuyên môn cao. Ngoài ra, ngành còn tổ chức tốt phong trào phụ nữ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nữ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm thêm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nữ cán bộ, giáo viên.

Bên cạnh đó, ngành cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Hiện tại, nữ cán bộ, giáo viên đã và đang đi học sau đại học là 159 người, 2 người đang là nghiên cứu sinh. Tính đến năm 2015, dự kiến tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ đạt 40%, tiến sĩ đạt 20%...

Việc chăm sóc sức khỏe cán bộ, giáo viên nữ cũng được lãnh đạo ngành quan tâm. Trong năm 2013, 100% nữ cán bộ, giáo viên có bảo hiểm y tế, được tiếp cận các dịch vụ y tế khi có yêu cầu…

Mặc dù tỷ lệ nữ trong ngành khá cao (khoảng 70% cán bộ, giáo viên là nữ) và số cán bộ nữ tuy đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng nếu so với số lượng nữ giáo viên, công nhân viên hiện có trong ngành thì vẫn còn là con số khiêm tốn: Số lượng cán bộ nữ làm việc ở cấp phòng và tương đương chỉ chiếm 22,6%; số lượng hiệu trưởng và phó hiệu trưởng chỉ 34,5%...

Về vấn đề này, bà Trần Thị Quý Mão cho rằng, một phần do các cô chưa thật sự tự tin, dù nhiều người rất có tài năng. Mặt khác, nữ cán bộ, giáo viên được đề cử đi đào tạo không ít, tuy nhiên nhiều người đã từ chối do con nhỏ, gia đình còn khó khăn, neo đơn…

Trách nhiệm với gia đình đã khiến nhiều nữ cán bộ, giáo viên bỏ qua cơ hội học tập nâng cao trình độ. Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT và Ban VSTBPN sẽ tiếp tục tạo điều kiện để chị em tham gia học tập nâng cao trình độ và phấn đấu nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy các cấp đạt 25%; nâng cao số lượng nữ cán bộ quản lý đạt 35%; tham gia lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên đạt 25%; khối các trường THPT, các trường và trung tâm trực thuộc sở có lãnh đạo cấp trường là nữ; nữ giáo viên có trình độ thạc sĩ đạt 55%... Để đạt được những chỉ tiêu nói trên, rất cần có sự chung tay góp sức của chính bản thân các nữ cán bộ, giáo viên.

MINH CHÂU

.
.
.