Thứ Bảy, 30/11/2013, 07:38 (GMT+7)
.

Ngành VH-TT&DL với công tác phòng, chống BLGĐ

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Có thể nói, Sở VH-TT&DL đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, tuyên truyền phòng, chống BLGĐ có nhiều kết quả, góp phần làm giảm tình trạng BLGĐ trong tỉnh qua từng năm.

CÁC HÌNH THỨC BLGĐ

Những năm gần đây, tình trạng BLGĐ ở tỉnh ta tuy có giảm nhưng lại có tính chất phức tạp. Các cấp, các ngành có liên quan xác định rõ tính chất của từng vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Trong số 300 người được khảo sát về tình hình BLGĐ (có 2/3 là nữ và 1/3 nam) thì 18% phụ nữ cho rằng không có BLGĐ, 56,88% cho rằng có xảy ra nhưng ở mức độ nhẹ, còn 25,18% trả lời là nghiêm trọng; ngược lại, chỉ có 12,9% nam cho biết BLGĐ không xảy ra, 75,8% bạo lực mức độ nhẹ và 11,3% là nghiêm trọng.

Bà Phan Kim Định, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít phụ nữ còn giấu, chưa thừa nhận tình trạng bạo lực trong gia đình mình; còn một bộ phận nam giới thì xem các hành vi bạo lực đối với người bạn đời của mình là không có gì nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, vợ chồng nói qua nói lại, tát vài ba bạt tay là chuyện bình thường. Khi nào vợ chồng đánh nhau thường xuyên mới bị coi là bạo lực”.

Hội thi  là một trong nhiều hình thức  tuyên truyền phòng, chống BLGĐ.
Hội thi là một trong nhiều hình thức tuyên truyền phòng, chống BLGĐ.

Bên cạnh bạo lực về thể xác, còn bạo lực về tinh thần. Những trường hợp cưỡng bức tâm lý, tình cảm, việc không quan tâm đến nhau đã trở nên khá phổ biến và rất khó phát hiện. Ở các gia đình mà vợ chồng đều là trí thức thì lại càng khó phát hiện hành vi bạo hành trong gia đình, họ vẫn sống chung, ăn chung, chủ yếu là để che mắt con cái và những người xung quanh, thật sự tình cảm đã không còn.

Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành chỉ buộc tội là bạo hành gia đình khi thương tích của nạn nhân trên 10% và nạn nhân phải có đơn tố cáo. Còn việc hắt hủi, thô lỗ trong quan hệ vợ chồng… thì xem là giai đoạn “sóng gió” chứ chưa phải bạo hành. Theo báo cáo của ngành Công an, BLGĐ có 3 loại: Bạo lực về thể xác, tinh thần và tình dục. Trên cơ sở xác định được những khó khăn, nắm bắt kịp thời, hiểu rõ được tình hình BLGĐ trong tỉnh nên trong nhiều năm qua Sở VH-TT&DL đã cùng các sở, ban, ngành chức năng có nhiều giải pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BLGĐ

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thi, phát tờ rơi, hỏi - đáp về bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ…, nhận thức của người dân về phòng, chống BLGĐ đã được nâng lên rõ rệt, nhất là nam giới. Nam giới ngày càng nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Song song đó, nhiều phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa phát triển rộng khắp như: “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe - dạy con ngoan”, “Không sinh con thứ  ba”, “Gia đình không có BLGĐ”... Bên cạnh đó, nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng “Nông thôn mới”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xóa đói, giảm nghèo”...; đồng thời gắn nội dung phòng, chống BLGĐ với việc đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”.

Bên cạnh đó, đến nay toàn tỉnh đã ra mắt 152 CLB “Gia đình phát triển bền vững” và 152 Đội “Phòng, chống BLGĐ”; 77/169 xã (phường, thị trấn) có mô hình phòng, chống BLGĐ và 447 địa điểm tin cậy, hoạt động xuyên suốt. Qua đó, nạn BLGĐ đã giảm, cụ thể: Năm 2009 số vụ BLGĐ là 818, năm 2012 còn 470 vụ và trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 125 vụ BLGĐ.

Phòng, chống BLGĐ là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhằm bảo vệ sự an toàn của mỗi thành viên trong mỗi gia đình, không còn những vết thương, hình ảnh cam chịu, sợ sệt, lo lắng và nỗi đau của những đứa trẻ, những bà mẹ là nạn nhân của nạn BLGĐ…, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị và thành viên trong mỗi gia đình tiếp tục nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác phòng, chống BLGĐ.

P. MAI

.
.
.