Quyết tâm không để lạc lối một lần nữa
Trong đợt đặc xá nhân dịp Lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 301 trường hợp chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam trong và ngoài tỉnh được đặc xá về địa phương sinh sống. Công an (CA) các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý và tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp phân công các ban, ngành, đoàn thể động viên, giúp đỡ.
Đặc biệt, CA cơ sở đã tích cực hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết có liên quan. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) - CA tỉnh, trên 92% số người sau chấp hành án về cư trú đúng địa chỉ thông báo và đến CA cơ sở khai báo, trình diện đúng quy định. Tính đến thời điểm này, số người phạm tội mới sau đặc xá chưa xảy ra.
Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước. |
Trên địa bàn huyện Tân Phước có 12 trường hợp trở về địa phương, hầu hết đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cố gắng phấn đấu sống tốt. Ông Nguyễn Văn Mơ - Trưởng CA xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước cho biết: 2 trường hợp về cư trú trên địa bàn xã đều đã đến khai báo đầy đủ, CA xã động viên, tạo mọi điều kiện cho họ phấn đấu vươn lên. Ghi nhận sau 2 tháng cho thấy cả 2 trường hợp đều chí thú lao động, hòa nhập tốt với cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Được sự giúp đỡ của chính quyền nơi cư trú, sự cảm thông, chia sẻ của mọi người xung quanh và đặc biệt là sự động viên của gia đình, người thân, nhiều người đã vượt qua mặc cảm, quyết tâm xây dựng tương lai tươi sáng và đặc biệt là quyết tâm giữ mình không để bị lạc lối một lần nữa.
Anh Phạm Minh Hưng, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông đã không ngần ngại tâm sự về những tiếc nuối vì lỗi lầm đã qua: “Năm 1997, tôi từ Bắc vào Nam làm công nhân ở Bình Dương, bị bạn bè cùng quê rủ rê mua bán ma túy, thấy dễ kiếm tiền quá, nên tôi tham gia. Được vài năm thì tôi lấy vợ và từ bỏ hẳn nghề này, về quê vợ ở Tân Phước làm nghề nông sinh sống.
Sau đó 3 năm thì đồng bọn bị bắt, khai ra tôi và tôi bị phạt mức án 7 năm tù, chấp hành án được 5 năm 9 tháng thì được đặc xá. Tôi không bao giờ dám nghĩ tới việc tái phạm, mà nghĩ mình phải có hướng làm ăn, người ta cố gắng 1 còn tôi thì phải cố gắng tới 2- 3, bù đắp lại những năm tháng mình xa vợ con, lấy lại lòng tin với bà con nơi mình sống, để họ nhìn mình là người đàng hoàng, lương thiện”.
Trong niềm vui được đặc xá, anh Hưng cũng không khỏi lo lắng, mặc cảm khi trở về, liệu bà con có “cố chấp” với mình hay không? May mắn là ngay buổi chiều hôm anh về, bà con lối xóm đã tới thăm hỏi, động viên; chính thái độ gần gũi, chân tình và cảm thông đó đã xóa đi mặc cảm trong anh.
Khi đến CA xã để làm các thủ tục cần thiết, thì cũng được các anh nhiệt tình giúp đỡ, động viên mình cố gắng, anh mừng lắm. Thế là anh Hưng đã bắt tay cùng vợ con vun xới lại đất, trồng thêm nhiều liếp khóm mới, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây khi được ở cạnh gia đình chăm sóc, dạy dỗ các con, đối với anh là niềm hạnh phúc. Đây sẽ là động lực giúp anh vượt qua những khó khăn trước mắt, cố gắng lao động để ổn định cuộc sống.
Cùng quyết tâm như anh Hưng, anh Nguyễn Hà Mẫn Đạt, ở ấp Tân Thành, xã Tân Hòa Đông cũng đã vượt qua mặc cảm, chí thú lao động. Hơn 2 tháng về địa phương, anh Đạt chăm chỉ làm nghề nông phụ giúp gia đình; những khi việc nhà tạm ổn, anh đi làm thuê, mỗi ngày được 130.000 đồng.
Thấy con giờ đã chăm chỉ làm lụng, ba mẹ Đạt rất vui, ông bà cho biết: “Trước đây do nhà khó khăn, Đạt xin nghỉ học đi TP. Hồ Chí Minh làm công nhân; do trẻ người non dạ, hòa nhập môi trường mới với nhiều cám dỗ, Đạt chơi cùng nhóm bạn xấu, nhậu nhẹt rồi đánh nhau, thế là bị bắt và bị phạt 3 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích”. Ba mẹ Đạt cũng cho biết thêm, giờ đây có nghèo khó thế nào đi nữa cũng không cho con ra ngoài kiếm tiền, sợ va vấp một lần nữa. Ông bà muốn Đạt chăm lo lao động trên chính mảnh đất nhà sẵn có.
Cố gắng là thế, nhưng hiện tại gia đình Đạt rất khó khăn, anh rất cần sự hỗ trợ về vốn hoặc việc làm từ chính quyền xã để có một công việc hợp lý, phụ giúp gia đình và cải thiện cuộc sống.
Biết rằng yếu tố quyết định sự hoàn lương của mỗi người sau đặc xá là sự phấn đấu tự thân, tuy nhiên rất cần sự quan tâm của cộng đồng giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, gạt bỏ quá khứ, khẳng định sống tốt đối với mọi người xung quanh. Thế nhưng, việc giúp đỡ, hỗ trợ đối với các trường hợp sau đặc xá vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Mơ, Trưởng CA xã Tân Hòa Đông, ở xã vùng sâu này việc giúp đỡ, giới thiệu việc làm rất khó khăn, bởi trên địa bàn xã không có các cơ sở sản xuất, kinh doanh nên hầu hết các trường hợp khi trở về xã đều tự tìm kiếm việc làm. Đối với việc vay vốn thì lại khó khăn hơn, vì thường họ không có tài sản gì để thế chấp, hơn nữa kinh phí xã cũng không có nguồn nào để hỗ trợ.
Không phải tất cả những người được đặc xá trở về đều có ý chí vươn lên như anh Hưng hay anh Đạt, vì thế ngoài sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người, rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ các ngành, đoàn thể, giúp họ vươn lên tìm hướng đi mới, đúng đắn cho cuộc đời mình, đó cũng là điều kiện giúp họ không bị lạc lối một lần nữa.
HỒNG VÂN