Thủ tướng chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão Haiyan
Ngày 7-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão Haiyan.
Công điện nêu rõ, siêu bão HaiYan hoạt động phía Đông miền Trung Philippin với cường độ cấp 17, đang di chuyển nhanh về phía biển Đông. Dự kiến, tối ngày 8-11, bão sẽ đi vào Biển Đông và đêm ngày 10-11 sẽ đổ bộ vào bờ. Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp.
Giúp dân sơ tán, tránh trú bão an toàn
Để chủ động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Cụ thể: Các tàu thuyền ra khỏi vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 08 đến Nam Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112 trước 19 giờ ngày 8-11-2013; các phương tiện hoạt động ở vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 9-11-2013.
Dự báo đường đi và vị trí của cơn bão Haiyan - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cập nhật hồi 13 giờ ngày 8-11-2013 |
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10-11-2013.
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Các tỉnh, thành phố trên cần tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình; chủ động cho học sinh nghỉ học; rà soát phương án, chuẩn bị, tổ chức sơ tán nhân dân vùng cửa sông, ven biển, nhà ở không đảm bảo an toàn, đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển 500m; hoàn thành trước 13 giờ ngày 10-11-2013.
Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét; chủ động ứng phó, sơ tán dân đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo kiểm tra phương án đảm bảo an toàn cho hạ du các hồ chứa nước; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du; tổ chức rà soát các phương án 4 tại chỗ: Chỉ huy, hậu cần, lực lượng, lương thực để chủ động ứng phó khi lũ, bão.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hướng dẫn sơ tán, neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn cho ngư dân; rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi; Bộ Quốc phòng chỉ đạo hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh; giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn.
Bộ Công an được giao phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có phương án điều tiết hoạt động giao thông trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ vào đất liền (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão); đảm bảo an ninh trong công tác sơ tán dân; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động phòng tránh
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến của bão, có các công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện, giúp đỡ cho tàu thuyền và ngư dân tạm tránh trú bão.
Bộ Giao thông vận tải được giao chỉ đạo việc thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; đảm bảo giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phụ sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính; hỗ trợ các địa phương để khôi phục hệ thống giao thông nông thôn.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo phòng tránh bão và sơ tán đảm bảo an toàn cho khách tại các khu du lịch ven biển.
Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án bảo đảm vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện, các hồ thủy điện; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là các khu vực có khả năng bị chia cắt.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần chỉ đạo đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương có phương án bảo vệ các cơ sở chuyên ngành, đảm bảo thông tin liên lạc, thuốc dự trữ và chủ động hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả.
Tăng thời lượng phát sóng thông báo diễn biến của bão
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo và đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Toàn văn Công điện của Thủ tướng Chính phủ xem tại đây.
(Theo chinhphu.vn)