Thứ Hai, 30/12/2013, 06:04 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả

Những năm gần đây, huyện Cai Lậy tập trung công tác giảm nghèo gắn với thực hiện tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

“Khu vườn tình thương” - một mô hình hỗ trợ hộ nghèo về cây giống được thực hiện khá hiệu quả tại xã Thanh Hòa.
“Khu vườn tình thương” - một mô hình hỗ trợ hộ nghèo về cây giống được thực hiện khá hiệu quả tại xã Thanh Hòa.

Ngoài trợ vốn, huyện còn khuyến khích nhân rộng các mô hình việc làm tại chỗ, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn; điển hình như mô hình may túi xách công nghiệp, đan các mặt hàng thủ công xuất khẩu, sân phơi lúa...

Hiện nay, vào cao điểm mùa vụ, các sân phơi lúa thu hút 1.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 150.000 - 200.000đồng/ngày, tập trung tại các xã phía Bắc Quốc lộ 1A;

Mô hình may túi xách công nghiệp giải quyết việc làm cho 1.200 lao động nữ, với hình thức may tại các tổ hợp, nhận hàng gia công tại nhà và nhận hàng mây tre xuất khẩu từ làng nghề Tân Phong (xã Tân Hội), giải quyết việc làm ổn định cho bà con trong làng nghề và các xã lân cận.

Ngoài ra, hộ nghèo còn được hỗ trợ để tự lực vươn lên bằng hình thức cung cấp cây giống, con giống qua mô hình “Khu vườn tình thương” và Chương trình “Vượt khó cùng Anco” của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang.

Trong năm 2013, mô hình “Khu vườn tình thương” đã được nhân rộng với diện tích 1,9 ha, phần lớn diện tích đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch và thêm 33 hộ gia đình nạn nhân da cam được hỗ trợ heo giống để chăn nuôi.

Các mô hình giảm nghèo đã giúp hộ nghèo tự lực vươn lên, ổn định cuộc sống. Chỉ tiêu thoát nghèo của huyện được thực hiện khá hiệu quả. Năm 2013, huyện Cai Lậy có 1.467 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 6,23%.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.