Chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh: Thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi
Nhiều năm qua, nhờ áp dụng có hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh, ấp Long Bình, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây đã vươn lên ổn định cuộc sống từ mô hình nuôi vịt đẻ siêu trứng kết hợp nuôi bò, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo của xã.
Chị Nguyệt Minh phấn khởi với thu nhập từ vịt đẻ. |
Sau khi lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị Minh gặp rất nhiều khó khăn khi cả hai vợ chồng chẳng có nghề nghiệp; gia đình cha mẹ 2 bên đều nghèo nên không giúp đỡ được nhiều. Với bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng chị luôn động viên nhau tích cực lao động sản xuất tạo thu nhập; phải đổi mới cách làm ăn, không thể độc canh cây lúa, mà phải kết hợp với chăn nuôi là cách làm mà chị cho là có hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Năm 2009, chị được Hội LHPN xã bảo lãnh cho vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Chị dùng hết số tiền này để mua lúa và 50 con vịt hậu bị về nuôi lấy trứng.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên tỷ lệ vịt lớn không đều; thêm vào đó, gặp đợt cúm gia cầm, vịt bị bệnh chết phân nửa. Không nản lòng, chị tìm đến những người nuôi vịt lâu năm trong ấp để học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục nuôi vịt siêu trứng. Khi có kinh nghiệm nuôi vịt siêu trứng, chị chú ý đến khâu chọn con giống tốt, vì con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao, sau đó đến khâu chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại.
Từ khi mua giống về nuôi đến khoảng 5 - 6 tháng là vịt bắt đầu cho trứng và đẻ liên tục từ 1 - 2 năm. Hiện chị đang nuôi 430 con vịt, trong đó có 165 con vịt đẻ, 25 vịt trống, số còn lại là vịt hậu bị. Nhờ biết cách chăm sóc, chủng ngừa vacxin định kỳ và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đến nay đàn vịt đẻ của gia đình chị phát triển tốt.
Chị Nguyệt Minh cho biết: “Mỗi ngày chị thu được 140 trứng vịt, giá bán cho lò ấp hiện giờ từ 7.500 - 9.000 đồng/trứng. Bình quân mỗi tháng, trừ chi phí, chị thu lãi 6 triệu đồng từ nguồn vịt đẻ lấy trứng. Nhờ chi tiêu tiết kiệm, cộng thêm khoản vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN xã bảo lãnh, đầu năm 2013, chị đã mua thêm 2 con bò giá hơn 30 triệu đồng về nuôi làm giống và 50 cặp bồ câu giống. Hiện nay, mỗi tháng chị có thu nhập thêm khoảng 2,5 triệu đồng từ việc bán bồ câu thịt”.
Chị Thái Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Luông cho rằng: “Chị Nguyệt Minh là phụ nữ chí thú làm ăn nên với đồng vốn ít ỏi, chị đã vượt qua được khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ mô hình làm kinh tế của chị, Hội sẽ nhân rộng ra để chị em phụ nữ trong xã học tập, áp dụng”.
Với nguồn vốn vay tuy ít, nhưng nếu biết chọn mô hình chăn nuôi phù hợp thì sẽ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Thị Nguyệt Minh đã vươn lên thoát nghèo, là điển hình cho người phụ nữ nông thôn vượt khó, tìm tòi học hỏi, dám nghĩ, dám làm để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
THỦY HÀ