Chữ tâm của người bác sĩ pháp y
Bác sĩ chuyên khoa (CK) II Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Tiền Giang là một trong những chuyên gia hàng đầu về pháp y học. Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông chưa bao giờ chịu bó tay trước bất kỳ một ca khó nào.
TÂM HUYẾT VÌ CÔNG LÝ
Câu chuyện đến và gắn bó với nghề bác sĩ Pháp y của bác sĩ CK II Nguyễn Văn Minh là một chuỗi dài của sự nỗ lực không mệt mỏi. Ông đã vượt qua nhiều trở ngại của công việc và cuộc sống để gắn bó với nghề. Lý do khiến ông trụ được và phát triển chuyên môn với nghề là vì “muốn trả lại sự công bằng cho người yếu thế”.
Bác sĩ Minh giám định mẫu mô phục vụ công tác điều tra. |
Năm 1972, y sĩ trẻ Nguyễn Văn Minh bước chân vào nghề y. Sau đó là những tháng ngày mày mò nghiên cứu, vừa học vừa làm để hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Thời gian sau, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa giải phẫu bệnh của bệnh viện.
Theo bác sĩ Minh, thời điểm những năm đầu mới giải phóng, do trong cộng đồng thường xuất hiện những cái chết không rõ nguyên nhân. Từ thực tế đó, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang thành lập tổ giám định tử thi do bác sĩ khoa ngoại đảm trách.
“Ban đầu tôi hay theo các anh bác sĩ ngoại đi giám định. Nhiều cái chết oan ức, tức tưởi được làm rõ nguyên nhân và kẻ phạm tội phải bị pháp luật trừng trị. Dần dà, tôi trở nên mê cái nghề “trò chuyện với xác chết” này tự khi nào không hay.
Sau đó, thì bệnh viện thành lập tổ chức giám định pháp y, tôi được giao nhiệm vụ là Phó giám định viên trưởng thường trực, còn giám định viên trưởng là bác sĩ Giám đốc Bệnh viện. Thế là nghề đã chọn tôi. Mỗi cái chết đều có nguyên nhân. Nhiệm vụ của người bác sĩ pháp y là tìm ra lời giải” - Bác sĩ Minh chia sẻ.
Có điều, để sống vì nghề, bác sĩ Minh đã phải đánh đổi rất nhiều. Ông đã phải đóng cửa phòng mạch đang đông khách và dấn thân với công việc pháp y cực nhọc, thu nhập thấp, độc hại cao, áp lực nặng nề. Không những chuyển đổi công việc chuyên môn làm ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, mà còn tác động tới quan hệ xã hội của ông.
Bác sĩ Minh cười: “Tết là dịp mọi người đến nhà họ hàng, bè bạn vui vẻ, chúc tụng nhau, còn nhà tôi thì mấy chục năm nay không có khách nào dám đến; tôi cũng chẳng dám đến thăm ai. Có năm, suốt 3 ngày Tết, tôi phải làm việc cật lực bên các thi thể”.
Y ĐỨC LÀ CÔNG LÝ
Trong lúc nhiều người sẵn sàng xin thôi việc khi bị chuyển sang làm bác sĩ pháp y, thì bác sĩ Nguyễn Văn Minh đã tình nguyện nhận công việc độc hại, nguy hiểm và cực nhọc này. Đã mấy chục năm nay, tổ chức giám định pháp y tỉnh Tiền Giang dù rất “rộng cửa”, nhưng không một bác sĩ nào dám đến.
Từ lúc Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh thành lập (năm 2006), bác sĩ Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm, nhưng vì thiếu nhân lực nên song song với công tác quản lý, ông phải đảm nhiệm luôn công việc của một giám định viên.
Có thể nói, công việc luôn đặt bác sĩ pháp y trong áp lực. Đó là công việc quá tải và tâm lý nặng nề cùng với hàng trăm loại giám định thương tật khác. Mỗi năm, Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Tiền Giang thực hiện khoảng 400 ca phẫu thuật pháp y.
Điều đó có nghĩa trung bình mỗi ngày, bác sĩ Minh phải đối diện và “trò chuyện” với 1 xác chết. Phần lớn những xác chết trưng cầu giám định pháp y đều trong tình trạng “khó nhìn”. Có những xác chết đã bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi thối, có những xác chết cháy cong queo, hay những cơ thể dị dạng sau tai nạn giao thông…
Sau những cuộc phẫu thuật giám định, kẻ thủ ác được đưa ra ánh sáng là niềm động viên tinh thần to lớn đối với ông. Tuy nhiên, có những điều mãi nhiều năm sau vẫn khiến ông trăn trở không yên. Đó chính là tình người và hiếu đạo.
Ông xót xa kể về một bà mẹ ở huyện Tân Phú Đông. Vì sớm góa chồng, một mình bà phải tần tảo nuôi đứa con trai khôn lớn. Rồi một ngày, người ta phát hiện bà mất tích đột ngột. Mọi người đổ xô đi tìm, gần 10 ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của bà trong tình trạng bị chôn ngồi ở chính khu vườn của mình. Qua những bằng chứng pháp y, đứa con trai mà bà cụ dứt ruột sinh ra, nuôi nấng đã phải cúi đầu thú nhận đã sát hại mẹ ruột của mình chỉ vì một lời trách của mẹ “sao con không chịu lo làm ăn, cứ bê tha hoài”.
Mấy chục năm qua, vị bác sĩ này hầu như không biết đến ngày ra trực kể cả nghỉ bù, lễ, tết cũng không. Điện thoại phải luôn đặt trong trạng thái hoạt động, kể cả khi ngủ. Điện thoại reo là ông phải lên đường, dù đó là lúc nửa đêm. Không chỉ làm tốt chuyên môn trong tỉnh, bác sĩ Minh còn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi gặp những ca khó.
Ngoài áp lực công việc và tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Khi giám định chỉ có thể làm hài lòng 1 bên. Bên gây hại muốn bác sĩ pháp y xác định thương tổn nhẹ hơn để mình tránh hoặc giảm được tù tội.
Còn bên bị hại thì ngược lại. “Nhiều khi tòa án trưng cầu bác sĩ giám định pháp y, tôi cứ bị gia đình bị cáo mắng mỏ khó nghe, thậm chí đe dọa hành hung. Đối với một bác sĩ, vấn đề y đức luôn phải được đặt lên hàng đầu. Với bác sĩ pháp y, y đức chính là sự chính xác vì công lý. Do đó, trong giám định, tuyệt đối phải chính xác, vì nó liên quan đến sinh mạng con người. Bác sĩ pháp y phải biết giữ tâm trong sáng. Sự trong sáng đó bao hàm cả sự chí công, vô tư, khách quan và khoa học” – Bác sĩ Minh chia sẻ.
ĐIỀU CHƯA BIẾT
Không chỉ nỗ lực để đi tìm sự thật trên những xác chết, bác sĩ Minh và các cộng sự của ông còn âm thầm làm những việc hết sức nhân văn vì người đã mất. Đó là “làm đẹp” cho xác chết. Những thi thể do tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ… thường dị dạng, nên sau khi phẫu thuật giám định xong, ông thường tỉ mỉ may lại từng vết thương để trả lại sự nguyên vẹn đến mức tối đa có thể cho họ. “Phải đặt mình trong tâm trạng của thân nhân người đã mất. Khi nhìn thi thể người thân lành lặn, họ sẽ đỡ tổn thương hơn”.
Bác sĩ Minh luôn luôn nhắc cộng sự của mình là “tinh thần phải vững và phải biết quên”. Thế nhưng đâu phải ai cũng làm được. Không ít người vừa bước chân vào nghề giám định pháp y đã phải “bỏ chạy” sau vài lần đi giám định. Mới đây nhất là trường hợp của một kỹ thuật viên, vừa công tác vài tháng tại Trung tâm đã phải bỏ việc. Anh bị ám ảnh bởi những thi thể dị dạng nên rơi vào trạng thái hoảng loạn tâm thần.
Thật khó ai có thể ngờ trong con người vị bác sĩ pháp y này lại chứa đựng tinh thần của một võ sĩ và một nghệ sĩ. Ông đến với võ thuật và mỹ thuật để “luyện tinh thần cứng cỏi và thay đổi hình ảnh xấu”. Hiện ông là Trưởng bộ môn Judo tỉnh Tiền Giang và là tác giả của gần trăm bức họa chân dung và phong cảnh. “Những lúc quá căng thẳng, để giảm tress và xóa đi những hình ảnh xấu, tôi tìm đến cọ và sắc màu. Sắc màu vui tươi sẽ làm người ta lên tinh thần” - Bác sĩ Minh giải thích.
Không chỉ thực hiện xuất sắc công tác chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, bác sĩ Minh còn có nhiều đóng góp cho ngành Y điều trị, với những đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ung bướu như phòng ngừa viêm phúc mạc ruột thừa, chọc mẫu tầm soát ung thư vú bằng kim nhỏ…
Với những đóng góp cho ngành, bác sĩ Nguyễn Văn Minh được ngành Y và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Thầy thuốc Ưu tú… Ngày 26-11 vừa qua, ông được Chủ tịch Nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.
THỦY HÀ