Để có tuổi thọ cao là mơ ước của tất cả mọi người
Cùng với cả nước, ở Tiền Giang quá trình chuyển đổi nhân khẩu học cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đang tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số dân.
THÁCH THỨC CỦA “GIÀ HÓA DÂN SỐ”
Hiện nay, nhận thức hành vi của người dân chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Để có tuổi thọ cao là mơ ước của tất cả mọi người, là sự phấn đấu của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Tuy vậy, theo các nhà nhân khẩu học, tốc độ già hóa dân số sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như:
Hệ thống chăm sóc sức khỏe, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và hệ thống an sinh xã hội… Vì thế, để thích ứng với một xã hội già hóa đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội phải có cách ứng xử thích hợp.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. |
Hiện nay, đa số người cao tuổi ở nước ta được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ít có điều kiện bảo vệ sức khỏe và tích lũy vật chất cho tuổi già.
Mặt khác, nước ta còn nghèo nhưng lại phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề liên quan đến tận dụng cơ hội giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và việc thích ứng với “già hóa dân số”, trong đó có hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển đồng bộ; kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vật chất, tinh thần cho người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức cả trong công tác tuyên truyền, tập huấn và hoạt động chăm sóc trực tiếp cho người cao tuổi.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Hệ thống dịch vụ, xã hội hóa việc chăm sóc người cao tuổi của cả nước cũng như của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống lão khoa cũng chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính, bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết...
Người cao tuổi rất cần sự quan tâm và chăm sóc của toàn xã hội. Người cao tuổi tại Tiền Giang cũng nằm trong tình trạng chung của người cao tuổi cả nước là phải đối mặt với tiềm ẩn của bệnh tật, tỷ lệ người cao tuổi mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm như: Bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp và trầm cảm... ngày càng tăng.
TĂNG CƠ HỘI CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI TOÀN DIỆN
Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” do Tổng cục Dân số triển khai thực hiện, sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giải quyết những vấn đề chủ yếu đặt ra của giai đoạn “già hóa dân số”.
Mục tiêu chung của đề án nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi với các mục tiêu cụ thể: Vai trò của người cao tuổi được phát huy trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; chất lượng tư vấn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi được cải thiện; phát hiện và xử lý sớm các bệnh thường gặp ở người cao tuổi; sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi được hỗ trợ, chăm sóc thông qua hoạt động của mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng.
Với mỗi mục tiêu sẽ có những phương thức hoạt động phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội nhằm nâng cao sự hiểu biết của cán bộ lãnh đạo về chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi cũng như vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi trong mọi mặt của cuộc sống; trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu dương người cao tuổi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc để con cháu noi theo.
Tập huấn cho cán bộ Y tế các cấp về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người cao tuổi. Hỗ trợ một số thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người cao tuổi; khám, tư vấn sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc bản thân, tự luyện tập phục hồi chức năng cho người cao tuổi.
Thành lập và duy trì hoạt động CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”. Thành lập và duy trì hoạt động mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Tập huấn kỹ năng tư vấn và chăm sóc người cao tuổi cho mạng lưới tình nguyện viên của mô hình.
Tại Tiền Giang, Đề án Chăm sóc người cao tuổi được triển khai tại 6 xã (phường) gồm: Xã An Hữu (Cái Bè), xã Phú Quí (Cai Lậy), xã Phước Lập (Tân Phước), xã Tân Hội Đông (Châu Thành), xã Trung Hòa (Chợ Gạo) và phường 9 (TP. Mỹ Tho).
Sau 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu đề án đã phát huy một số hiệu quả tích cực. Tại 6 xã này hiện có trên 5.500 người từ 60 tuổi trở lên, trong đó có hơn 1.000 cụ ngoài 80 tuổi. Dự án đã tổ chức được các hoạt động hội thảo nêu gương người cao tuổi, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc với sự tham dự của hơn 500 cụ.
Tổ chức 12 buổi nói chuyện chuyên đề hướng dẫn 750 người cao tuổi và người thân của họ trong việc tự luyện tập chăm sóc bản thân, phục hồi chức năng. Thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ dưỡng sinh… Ngoài ra, người cao tuổi ở các xã, phường hưởng đề án còn được quan tâm chăm sóc vật chất, tinh thần như thăm hỏi, khám chữa bệnh miễn phí, mừng thọ, thăm hỏi khi có hữu sự, ốm đau.
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, sự nhiệt tình của các thành viên Ban Quản lý đề án và nhất là đội tình nguyện viên, CLB dưỡng sinh, các hoạt động được thực hiện theo kế hoạch và đạt hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện đề án là kinh phí hoạt động hạn hẹp và tình nguyện viên có trình độ khác nhau, trong đó có một số nhân sự thay đổi nên còn hạn chế về kỹ năng tư vấn và chăm sóc người cao tuổi.
THU THỦY