Thứ Tư, 25/12/2013, 10:25 (GMT+7)
.

Hành động với thách thức của dân số 90 triệu người

Dân số Việt Nam hiện chạm ngưỡng 90 triệu người. Cả nước đã và đang triển khai toàn diện chính sách DS-KHHGĐ về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số với những thành tựu đáng trân trọng. Tiền Giang là một trong những tỉnh được Trung ương đánh giá thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ năm 2013.

Tiền Giang thuộc nhóm tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiện là 1,91 con. Các chỉ tiêu do Trung ương và tỉnh giao đều hoàn thành tốt, chỉ trừ chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh.

Các đơn vị cấp huyện (tương đương) đã đạt chỉ tiêu thi đua về DS-KHHGĐ do UBND tỉnh giao. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp sâu sát hơn. Chính sách, nguồn lực của tỉnh đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ nhiều hơn… Ngành DS-KHHGĐ tỉnh đang góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.

Ảnh: Vân Anh
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn còn khó khăn và đang đối mặt với 6 thách thức lớn. Một là, mật độ dân số rất cao, với  672 người/ km2. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 23 - 25 ngàn trẻ mới sinh, nghĩa là bằng dân số trung bình của 2 xã.

Hai là, mức sinh giảm nhưng không ổn định; vẫn còn phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên (trong đó có cả đảng viên, công chức, viên chức), có xã tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hơn 10%; số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng, nhu cầu về các biện pháp tránh thai sẽ tăng cao. Ba là, mất cân bằng giới tính khi sinh cao, với 110 bé trai/100 bé gái.

Bốn là, nâng cao chất lượng dân số, trong đó sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân. Năm là, “già hóa dân số”, thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; khoa lão khoa của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tỉnh (quá tải); y tế tuyến cấp huyện, cấp xã chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Sáu là, “làm mẹ khi chưa trưởng thành, mang thai ở tuổi vị thành niên” đang là một vấn đề lớn; tỷ lệ thanh niên chưa kết hôn nhưng đã có quan hệ tình dục tăng lên ở cả nông thôn và thành thị, đặc biệt là nam thanh niên. Thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ chỉ tập trung cho người đã có gia đình; có quan tâm đến nam nữ vị thành niên, thanh niên nhưng chưa nhiều.

Sáu vấn đề nêu trên cùng với kinh phí đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ ngày càng giảm và dự kiến sẽ không còn vào năm 2016 đã đặt ra cho tỉnh những khó khăn và cần phải nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Để phát huy những thành tựu đã đạt, vượt qua các khó khăn vừa nêu, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng ta cần quán triệt quan điểm “Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội; không một tổ chức và cá nhân nào đứng ngoài cuộc vận động này”.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm như: Duy trì mức sinh thấp hợp lý để kéo dài giai đoạn “dân số vàng”; nâng cao chất lượng dân số ngay từ đầu đời; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên; thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, lãnh đạo các cấp, các ngành phải nắm bắt, tiếp cận các vấn đề mới về dân số để chỉ đạo, điều hành kịp thời, sâu sát hơn; tuyên truyền, vận động là giải pháp quan trọng nhất. Trước đây chúng ta tập trung vấn đề giảm sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng có 1 - 2 con; thì nay nội dung tuyên truyền phải thay đổi, tiếp cận mới.

Đó là tuyên truyền mỗi cặp vợ chồng có quyền và nghĩa vụ sinh 2 con; tuyên truyền để thay đổi hành vi của người dân từ nhận miễn phí phương tiện tránh thai chuyển sang chi trả. Nhà nước tiếp tục cung cấp biện pháp tránh thai miễn phí cho người nghèo, cận nghèo có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai. Truyền thông, giáo dục cho học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ tôn trọng giá trị gia đình.

Tuyên truyền, vận động để người dân, những cặp vợ chồng có thai thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số ngay từ lúc sinh. Tuyên truyền, vận động không lựa chọn giới tính thai nhi, về giá trị của trẻ em gái, về bình đẳng giới, về vị trí, vai trò của nữ giới trong phát triển bền vững với xã hội và gia đình.

Về mang thai ở tuổi vị thành niên, xã hội thường đổ lỗi cho các em gái khi các em mang thai. Nhưng mang thai ở tuổi vị thành niên thường không phải do các em mong muốn có thai, mà do các em không có sự lựa chọn nào khác và xảy ra trong những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của các em.

Trẻ em trai và nam giới phải có trách nhiệm tương đương khi các em gái mang thai và chính trẻ em trai, nam giới chính là một trong các giải pháp ngăn chặn mang thai vị thành niên. Có thai ở tuổi vị thành niên, trước khi kết hôn là do các em không hoặc ít được tiếp cận thông tin liên quan SKSS-KHHGĐ. Vì vậy, cần tăng cường các hình thức giáo dục kỹ năng sống cho vị thành niên, thanh niên.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về DS-KHHGĐ/SKSS nhằm cung cấp tốt hơn cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức cần thiết về mang thai, KHHGĐ, SKSS và phòng, chống HIV. Đẩy mạnh cung cấp mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho vị thành niên, thanh niên.

Đẩy mạnh truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ thực hiện công tác về người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi.

NGUYỄN THÀNH SANG

.
.
.