Thứ Tư, 04/12/2013, 08:42 (GMT+7)
.

Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015 là “Getting to zero”, nghĩa là “Hướng tới mục tiêu 3 không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Đã quá nửa chặng đường của lộ trình (2011-2015), nhiều thành quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã được ghi nhận. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, đó là làm thế nào để đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện các nguồn viện trợ quốc tế sụt giảm nghiêm trọng và ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn.

Những mục tiêu cần hướng đến

Để hướng tới không còn người nhiễm mới HIV, chúng ta phải đạt được những mục tiêu sau: 

- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm.

- Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.

- Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi về AIDS. Ảnh: Ngọc Trung
Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi về AIDS. Ảnh: Ngọc Trung

Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn chưa được khống chế, thể hiện ở số người mới được phát hiện nhiễm HIV trong năm 2012 là 14.127 người (bình quân mỗi tháng phát hiện gần 1.200 người nhiễm HIV). Cùng với sự tiếp tục gia tăng về số lượng, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam cũng tiếp tục lan rộng về địa dư, đến hết tháng 12-2012 đã có 79% số xã (phường, thị trấn); 98% số quận, huyện và 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS.

Mặt khác, sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng, cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư, bao gồm cả những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp, làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn.

Đến nay, dù đã có rất nhiều cố gắng và có sự tài trợ của các dự án quốc tế, nhưng độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn ở mức độ thấp. Cụ thể, tính đến hết năm 2012 mới chỉ đạt trung bình khoảng 50 - 60% số đối tượng của chương trình bơm kim tiêm; 40 - 50% số đối tượng của chương trình bao cao su; chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone mới có 60 cơ sở, với 12.253 người được điều trị (so với mục tiêu 80.000 đến năm 2015). Như vậy, mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam rất khó có thể đạt được đến năm 2015 đó là giảm 50% số người nhiễm mới HIV (so với năm 2001).

Để “Hướng tới không còn người tử vong do AIDS”, chúng ta cần phải đạt được: Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng vi rút (ARV). Những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người, có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu.

Tuy nhiên, hiện nay mới có 25% số huyện có cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng ARV, khiến độ bao phủ của chương trình chỉ đạt 70% và chỉ có 20% số huyện có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Như vậy, mục tiêu phổ cập điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị cũng rất khó hoàn thành vì tỷ lệ bao phủ của chương trình năm 2012 mới chỉ đạt 70%.
 
Thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh những khó khăn trong tiếp cận dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong tổng kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2008 - 2012, nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế chiếm phần lớn, khoảng 48%; ngân sách Nhà nước, bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đóng góp khoảng 27%; khu vực tư nhân (chủ yếu là các hộ gia đình) và thanh toán qua BHYT chiếm khoảng 25%.

Đặc biệt, hai chương trình “trụ cột” là Chương trình Dự phòng và Chương trình Điều trị hiện đang lệ thuộc về mặt tài chính chủ yếu vào nguồn viện trợ quốc tế (chiếm 60 - 80%). Tương tự, tại Tiền Giang, trong giai đoạn 2008 - 2013, tổng kinh phí đã được đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS là 34,989 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cấp thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là 9,626 tỷ đồng (chiếm 27,5%), ngân sách địa phương đạt 1,581 tỷ đồng (chiếm 4,5%) và nguồn viện trợ quốc tế là 23,781 tỷ đồng (chiếm 68% tổng kinh phí).

Tình hình trên cho thấy, để “Hướng tới mục tiêu 3 không” và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đang đứng trước thách thức lớn về tài chính khi nguồn tài trợ từ các dự án hợp tác quốc tế đang cắt giảm nghiêm trọng.

Ngoài thách thức lớn trong việc huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay, những bất cập trong công tác quản lý các nguồn kinh phí chi cho phòng, chống HIV/AIDS cũng là một trở ngại không nhỏ.

Sự khác biệt lớn về cơ chế vận hành và quản lý giữa các nguồn kinh phí; nhiều vấn đề bất hợp lý trong quá trình phân bổ kinh phí cho các lĩnh vực hoạt động do phụ thuộc vào chủ quan của các nhà tài trợ; định hướng phân bổ ngân sách chưa dựa vào các ưu tiên đầu tư; sự hạn chế về năng lực quản lý tài chính và quản lý mua sắm, đấu thầu ở các địa phương; sự thiếu tính kết nối giữa các dịch vụ trong việc tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc chưa phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội làm hạn chế khả năng tiếp cận sớm của người bệnh... chính là những điểm bất cập chủ yếu trong công tác quản lý các nguồn kinh phí chi cho phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.

Tóm lại, sự khó khăn trong việc huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và những bất cập trong công tác quản lý các nguồn kinh phí là những thách thức lớn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, ngày 16-10-2013 Chính phủ đã ký Quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”, trong đó đề xuất 2 nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp huy động tài chính từ các nguồn khác nhau và nhóm giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính huy động được.

TS. BS TRẦN THỊ THỦY HÀ

.
.
.