Kết quả qua 3 năm thực hiện Đề án về gia đình
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh xây dựng Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” nhằm kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi thành viên trong gia đình và là tế bào lành mạnh của xã hội. Qua 3 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, làm tiền đề để tổ chức thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.
Từ việc triển khai thực hiện đồng bộ...
Ngay sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở VH-TT&DL đã tổ chức triển khai cho thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh; in ấn tài liệu tuyên truyền và đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa... Đặc biệt, nhằm tìm ra những cách làm hay, mô hình hiệu quả để nhân rộng, từ năm 2011, Sở VH-TT&DL đã không ngừng mở rộng việc chọn các đơn vị để triển khai thực hiện điểm. Nếu như năm 2011 chỉ có 4 đơn vị điểm, năm 2012 nâng lên gấp đôi số đơn vị thì đến năm 2013 đã có 12 đơn vị được chọn thực hiện điểm.
Để hỗ trợ cho các xã (phường, thị trấn) điểm triển khai thực hiện tốt Đề án, Sở VH-TT&DL đã tổ chức tập huấn cho khoảng 300 cán bộ của 60 ấp thuộc 12 xã (phường, thị trấn) điểm; hỗ trợ xây dựng 12 panô tuyên truyền; xây dựng 12 tủ sách với 1.632 đầu sách; phát 1.200 bộ tài liệu, 5.000 tờ bướm tuyên truyền. Phối hợp với Đội Thông tin lưu động tỉnh xây dựng 2 kịch bản tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa.
Ngoài ra, Sở VH-TT&DL còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh phát động phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; phối hợp với Công đoàn Viên chức tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho CB-CC-VC và người lao động. Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh tuyên truyền về đạo đức, lối sống trên hệ thống đài truyền thanh, phát hàng tuần...
Đến những kết quả bước đầu
Qua 3 năm tích cực triển khai thực hiện Đề án từ tỉnh đến cơ sở, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống; trong đó nổi bật là 2 đơn vị TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo. Theo bà Lê Thanh Lan, Phó Trưởng phòng VH-TT TP. Mỹ Tho: “Triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo thành phố lồng ghép nội dung thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình vào các buổi sinh hoạt của các CLB bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thi, xây dựng chuyên mục, tiểu phẩm tuyên truyền và thành lập 84 CLB Gia đình phát triển bền vững...”.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng VH-TT Chợ Gạo cho biết: “Đơn vị Chợ Gạo xây dựng các mô hình như: Nhóm Phòng, chống tệ nạn xã hội; Nhóm Sức khỏe sinh sản; Nhóm Không có trẻ suy dinh dưỡng; Nhóm Không sinh con thứ ba. Đặc biệt là phát triển mạnh mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, với 25 CLB, mỗi CLB có từ 20 - 25 thành viên.
Các CLB duy trì sinh hoạt hàng tháng với các nội dung như: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ hội nhập; vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách trẻ; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...; phát hiện, can thiệp, hóa giải kịp thời các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình”.
Tại các xã (phường, thị trấn) điểm đã xuất hiện nhiều mô hình hay như: CLB Gia đình phát triển bền vững ấp Thới Bình (Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) phối hợp với Chi hội Người Cao tuổi thành lập CLB Đờn ca tài tử, hàng tháng tổ chức phục vụ văn nghệ, tạo không khí vui tươi cho các thành viên tham gia. Phường 1 (TP. Mỹ Tho) xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức biểu diễn trong sinh hoạt CLB và các buổi họp của phường...
Với nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với nhiều đối tượng, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Các thành viên trong gia đình ngày càng biết điều chỉnh hành vi của mình cho đúng mực.
Những mâu thuẫn trong gia đình và ở khu dân cư được giải quyết nhanh, gọn thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình. Đặc biệt, người phụ nữ đã dần nhận thức được vai trò của mình trong gia đình và xã hội, biết tìm đến chính quyền và các đoàn thể để được tư vấn và bảo vệ khi xảy ra bạo lực gia đình... Từ khi thực hiện thí điểm mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng giảm. Nếu như năm 2011 xảy ra 71 vụ thì 6 tháng đầu năm 2013 không xảy ra vụ nào.
Đánh giá về những kết quả đạt được qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cho rằng: “Đây là những kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận gia đình Việt Nam; xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả để nhân rộng trong thời gian tới...”.
NGUYỄN MINH PHÚC