Không kỳ thị để không có người nhiễm mới HIV
Phân biệt đối xử, kỳ thị người nhiễm HIV là một trong những nguyên nhân chính đẩy người nhiễm HIV rơi vào con đường tuyệt vọng, đồng thời làm căn bệnh này ngày càng lây lan rộng. Đến ngày 30-10-2013, toàn tỉnh đã phát hiện 3.687 trường hợp nhiễm HIV (2.037 người trong tỉnh; 1.650 người ngoài tỉnh); 1.443 ca chuyển AIDS (1.228 người trong tỉnh, 215 người ngoài tỉnh), tử vong 795 (755 người trong tỉnh, 40 người ngoài tỉnh).
* Kỳ thị làm căn bệnh càng lan rộng
Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Tiền Giang hiện có gần 1.300 người nhiễm HIV hiện còn sống là người có địa chỉ trong tỉnh, nhưng thực tế có khoảng gần 3.000 người nhiễm hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhưng không có hộ khẩu ở đây. Thực tế cho thấy, số người nhiễm HIV nhưng không dám công khai vì sợ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng, thậm chí ngay cả người trong gia đình.
Nhờ vào công tác tuyên truyền và các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống HIV/AIDS, bên cạnh thái độ thông cảm với nỗi đau của những người có HIV, vẫn còn không ít những người xa lánh, tẩy chay, kỳ thị và phân biệt đối xử.
Khi nói đến người nhiễm HIV, một số người chủ quan liên tưởng đến việc dính dáng đến tệ nạn, “ăn chơi sa đọa” mà không nghĩ rằng HIV có thể tìm đến bất kỳ ai và bất kỳ hoàn cảnh nào. BS CKII Nguyễn Khánh Hòa Đồng, (Sở Y tế TG), thành viên Dự án Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, khẳng định: Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng vẫn là một nguyên nhân chính khiến cho người bệnh lẫn trốn, không hợp tác với cán bộ chuyên trách cũng như từ chối mọi dịch vụ y tế khác.
Tuần hành hưởng ứng phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Ngọc Trung |
Trường hợp của chị D.T.N. (thị trấn Chợ Gạo) đã bị mất việc làm, nhiều người xa lánh vì chồng bị nhiễm HIV mặc dù kết quả xét nghiệm của chị là không bị nhiễm. Chồng chị N. bị nhiễm HIV và qua đời cách đây mấy năm. Sau khi được cán bộ y tế động viên, chị N. đã đi xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả, tin đồn “chị N. bị nhiễm HIV!” lan nhanh, mọi người ở khu phố chị ở đều xa lánh, không dám đến gần chị.
Chủ vựa tro ở Long Bình Điền (nơi chị làm mướn) cũng cho chị nghỉ mặc dù chị đã hết lời giải thích. May mắn thay, sau 3 lần xét nghiệm, kết quả là chị N. không bị nhiễm HIV nhưng nhiều người ta vẫn còn nghi ngờ, xa lánh…Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của một cơ quan ở địa phương nên một HTX đã nhận chị vào làm và đến nay, cuộc sống của chị và 3 đứa con tương đối ổn định…
Còn anh N.T.T. đã bị người vợ âm thầm bỏ đi không lời từ biệt khi biết anh bị nhiễm HIV. Láng giềng sợ anh T. đến nỗi làm hàng rào để ngăn cách và cô lập nhà anh. Thậm chí, có người đã lén đốt nhà anh vào ban đêm làm anh càng tuyệt vọng! Vì vậy, anh T. đành phải bỏ đi nơi khác và chạy xe Honda ôm để kiếm sống.
Sau đó, với sự tư vấn và động viên của cán bộ y tế, anh T. đã xóa bỏ mặc cảm, tham gia nhóm đồng đẳng viên với hy vọng đóng góp một ít sức mình cho cuộc chiến với căn bệnh AIDS... Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp bị nhiễm HIV khác do nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan nhưng phần lớn đều bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Do vậy, một số người nhiễm HIV đã lặng lẽ bỏ xứ đi biệt tích!
Điều đáng quan tâm là trong thời gian gần đây, số ca xét nghiệm HIV dương tính trên đối tượng bệnh nhân lao, bệnh nhân nhập viện có biểu hiện nghi ngờ mắc AIDS gia tăng qua từng năm. Điều đó cho thấy HIV/AIDS đã lây lan âm thầm trong cộng đồng nhưng chỉ phát hiện được khi đã chuyển AIDS.
Do sợ xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV, do mặc cảm, sợ bị kỳ thị phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV thường lẩn tránh, không muốn tiếp xúc với người xung quanh. Và vì thế, người nhiễm HIV không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ của Chương trình Phòng chống AIDS tại địa phương.
* Nỗ lực xóa kỳ thị, phân biệt đối xử
Đến với những người nhiễm HIV chủ yếu là những cán bộ y tế tham gia tư vấn, điều trị tại các phòng khám ngoại khoa hoặc một số ít đồng đẳng viên của các CLB hoạt động dưới sự tài trợ của các dự án. Hiện huyện Cai Lậy và Gò Công Tây có hai CLB Hoa Hướng Dương và Niềm Tin là chỗ dựa cho một số ít người nhiễm HIV của 2 địa bàn này.
Thành viên các CLB đến những ấp có người nhiễm HIV/AIDS tuyên truyền, lồng ghép truyền thông nhóm, giúp họ xóa đi phần nào mặc cảm để tiếp tục sống. Đơn cử như trường hợp chị L. (xã Thành Công), chị Th. (xã Long Bình), anh H. (thị trấn Vĩnh Bình) đã bị gia đình, cộng đồng ruồng rẫy, xa lánh khi biết họ bị nhiễm HIV. Khi gia nhập CLB đến nay, họ đã được gia đình đối xử tốt hơn nhờ sự kiên trì giải thích của Ban Chủ nhiệm CLB...
Các biểu hiện của kỳ thị: - Cô lập: Ở riêng trong gia đình, khu riêng trong bệnh viện...; sự bàn tán, nói xấu của cộng đồng, mất dần vị trí trong gia đình và xã hội; mất khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho cuộc sống: nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe... - Tự kỳ thị: Mặc cảm tội lỗi, tự ti, mất tự tin và tự cô lập; chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống và mọi mối quan hệ; từ bỏ các ước muốn của cuộc sống: việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình... - Kỳ thị thứ cấp: Người bị kỳ thị là gia đình, bạn bè, người chăm sóc, biểu hiện của kỳ thị như đối với người nhiễm |
TS. BS Trần Thị Thủy Hà, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, trao đổi: Thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp đã tăng cường công tác thông tin- giáo dục- truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đó nội dung chống kỳ thị - phân biệt đối xử (KT-PBĐX) với người HIV/AIDS được đặc biệt chú trọng nhưng hiện tượng KT-PBĐX mặc dù có giảm nhưng vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Các hiện tượng KT-PBĐX thường gặp trước đây: người nhiễm HIV bị buộc thôi việc hay trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học, bị gia đình bỏ rơi hoặc ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thậm chí bị bạo hành... đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, các biểu hiện như xì xào, bàn tán, dùng các loại ly nhựa sử dụng 1 lần để bán thức uống cho người nhiễm trong các quán giải khát...còn khá phổ biến. Do vậy người nhiễm HIV luôn cố tình che giấu không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình ra ngoài phạm vi gia đình, đặc biệt có tỷ lệ đáng kể người nhiễm HIV không cho chồng, vợ hoặc bạn tình biết họ bị nhiễm HIV.
Người nhiễm cảm thấy không an toàn trong xã hội, hình thành tâm lý bị cách ly, cô lập và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi họ tự kỳ thị ngay chính bản thân mình. Trong một nghiên cứu năm 2009 trên 1200 người dân từ 15-49 tuổi trong cộng đồng, chỉ có 17,6% người được hỏi có thái độ tích cực, hoàn toàn không KT-PBĐX với người nhiễm HIV.
“Để cộng đồng không kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS và hướng đến mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, có nhiều giải pháp đã được đề ra kể cả giải pháp chuyên môn lẫn giải pháp xã hội. Cần nhấn mạnh rằng tất cả các giải pháp này đã được triển khai thực hiện, vẫn tiếp tục thực hiện và tăng cường hiệu quả hơn”, TS.BS Hà khẳng định.
PHÙNG LONG