Thứ Tư, 25/12/2013, 10:37 (GMT+7)
.

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Vấn đề "nóng" & thách thức to lớn

Tư vấn cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trong học đường  là một trong những giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tình trạng quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên.  	         Ảnh: Trọng Nguyễn
Tư vấn cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trong học đường là một trong những giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tình trạng quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên. Ảnh: Trọng Nguyễn

Thống kê của ngành Y tế, trong năm 2013, cứ 100 trẻ được chào đời thì có đến 23 trường hợp phá thai và 3,89% trong số đó là vị thành niên. Đây chỉ là con số phản ánh bề nổi. Trong thực tế, quan hệ tình dục sớm, mang thai và nạo phá thai ở vị thành niên là vấn đề "nóng" hiện nay.

VẤN ĐỀ CẦN ĐÁNH ĐỘNG

Ông Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho rằng, năm 2013 tỉnh ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản về công tác DS-KHHGĐ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 cao là vấn đề “nóng” của những năm trước, thì hiện nay đã dần ổn định, không đáng lo ngại. Vấn đề đáng lo hiện nay là tình trạng quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên.

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó chiếm 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Còn theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm trên 20% các trường hợp nạo phá thai.

Cụ thể, báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây cho thấy, thực trạng phá thai to ở vị thành niên chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai; các trường hợp phá thai to gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên.

Tại Tiền Giang, năm 2013 tổng số phụ nữ phá thai do Sở Y tế quản lý được là 4.489/19.375 trẻ sinh sống. Như vậy, cứ 100 trẻ được chào đời thì có đến 23 trường hợp phá thai và 3,89% trong số đó là vị thành niên. Từ năm 2011 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai thực hiện mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 6 xã thuộc huyện Tân Phú Đông.

Qua tư vấn, khám sức khỏe cho 496 cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn, đã phát hiện 20 trường hợp mang thai trước khi cưới và 18 trường hợp vị thành niên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên nước ta ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Theo các chuyên gia y tế và dân số, với con số mang thai vị thành niên và nạo hút thai nêu trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất  Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

HỌC SINH LỚP 9 ĐÃ PHÁ THAI

Bác sĩ CK I Trần Bích Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh trăn trở: “Câu chuyện 1 học sinh lớp 9 được bạn trai (cũng là học sinh lớp 9) đưa đến trung tâm để phá thai làm tôi cứ ray rứt, xót xa mãi. Cả 2 em đều là học sinh ở huyện lên TP. Mỹ Tho ở trọ đi học. 2 em đã sống chung như vợ chồng cả năm mà gia đình không hề hay biết.

Các em có nghiên cứu về các biện pháp tránh thai hiện đại thông qua mạng Internet, nhưng do sử dụng biện pháp tránh thai không hiệu quả nên bé gái ấy mang thai. Thật sự tôi đau lòng lắm, vì tuổi các em còn quá nhỏ mà chịu đựng những đau đớn về thể xác và tinh thần như vậy.

Một thực trạng ghi nhận nữa là không ít trường hợp em gái tự phá thai tại nhà bằng viên uống phá thai nội khoa, do thuốc này được bán tràn lan trong các hiệu thuốc với giá không quá đắt. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì nếu không được tầm soát trước các chống chỉ định khi dùng thuốc thì sẽ dẫn đến biến chứng khó lường. Làm sao để hạn chế tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên? Tôi nghĩ, cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía”.

Cũng theo Bác sĩ Phượng, trẻ em hiện nay dậy thì rất sớm, cộng với những tác động từ môi trường sống, điều kiện sống hiện nay khiến trẻ em có xu hướng quan hệ tình dục sớm. Do đó các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm chăm sóc trẻ chu đáo, định hướng cuộc sống lành mạnh cho trẻ; đồng thời khéo léo cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ.

Bởi vì quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ tác hại về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất hoặc hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống hay khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo…

Theo khuyến nghị của UNFPA, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào trẻ em gái vì lợi ích của chính các em. Các em gái được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng của mình; đồng thời sẽ có nhiều cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng.

Các em cũng có thể sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn việc sinh con ở tuổi muộn hơn, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn và có khả năng có thu nhập cao hơn. Các em có thể tự giúp mình và gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo. Các em sẽ chính là động lực tạo ra những sự thay đổi cho cộng đồng và cho các thế hệ tương lai.

Cần đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên; đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em. Việc này sẽ tạo ra vô số tác động tích cực  tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên - một tình trạng có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm cho các em.

Thực hiện Chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) và dịch vụ phòng, chống HIV cho vị thành niên.

Cần đảm bảo rằng, các dịch vụ này được cung cấp tới vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét, không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.

Ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học. Giải quyết các nguyên nhân cơ bản khiến hiện tượng kết hôn sớm vẫn còn tồn tại, xác định các biện pháp thay thế và tạo cơ hội cho các em gái có nguy cơ cao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cộng đồng nhằm tạo sự hỗ trợ cho những động thái này.

Ủng hộ việc thực hiện các chương trình mang lại nhiều tác động tích cực, trong đó xác định được các đối tượng và xây dựng giá trị của nhóm trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ phải kết hôn sớm và có thai ngoài ý muốn.

Tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn; đồng thời đây là nơi thực hiện nội dung các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Để kết thúc bài viết này, xin ghi lại nhận định của ông Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: “Quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên là vấn đề “nóng”, là thách thức to lớn đối với công tác DS-KHHGĐ hiện nay và tương lai”.

THỦY HÀ

.
.
.