Quan tâm giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Dự án Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Tiền Giang do tổ chức NMA tài trợ đã giúp nhiều trẻ khuyết tật được can thiệp sớm và được cắp sách đến trường…
Mục tiêu chính của Dự án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc trẻ khuyết tật, tạo điều kiện cho các em sớm hòa nhập cộng đồng để phát triển như những trẻ bình thường khác. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, những trẻ khuyết tật thường kém tự tin, nếu để trẻ ở nhà sẽ ngày càng rút vào cái “vỏ ốc” của riêng mình. Tạo điều kiện cho các em khuyết tật được đến trường để giúp các em phục hồi chức năng, ngày càng tự tin hơn…
Bé Đặng Minh Nhựt (xã Tân Phong, Cai Lậy) đang được tập phục hồi chức năng tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. |
Cô Đoàn Thúy Vân, giáo viên Trường Tiểu học Lương Phú (Chợ Gạo) cho biết: “Môi trường để các em khuyết tật hòa nhập rất quan trọng, vì các em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ người hướng dẫn và các bạn xung quanh. Chính vì thế, giáo viên hướng dẫn các em khuyết tật phải tận tâm và hết mực yêu thương trẻ; thuyết phục, nhắc nhở học sinh trong lớp phải yêu thương bạn khuyết tật, sẵn sàng chơi chung và giúp bạn phát triển”.
Cô Vân đã từng có 3 năm liền hướng dẫn học sinh khuyết tật nên có nhiều kinh nghiệm dạy dỗ các em. Năm nào có học sinh khuyết tật, cô đều vui vẻ tiếp nhận và tận tình giúp các em từng bước hòa nhập cộng đồng.
Trong năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 1.382/1.860 học sinh khuyết tật được học hòa nhập tại các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Trong đó, huyện Cai Lậy có 241 em, Chợ Gạo 215 em, Châu Thành 213 em, Cái Bè 187 em, TP. Mỹ Tho 185 em, Tân Phước 81 em, Gò Công Đông 81 em, Gò Công Tây 70 em, TX. Gò Công 55 em và Tân Phú Đông có 54 em. Những dạng tật các em mắc phải là chậm phát triển trí tuệ, nghe, nhìn, ngôn ngữ, vận động, đa tật… Sau khi được học chương trình hòa nhập, nhiều em phát triển tốt, hòa nhập với bạn bè. |
Bé Đặng Minh Nhựt ở ấp Tân Thiện (Tân Phong, Cai Lậy) bị bệnh sốt bại liệt từ nhỏ, hai chân và tay phải của Minh Nhựt bị co rút, cử động rất khó khăn; não bộ kém phát triển và chức năng nói của em bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - bà ngoại của Minh Nhựt, ba mẹ Minh Nhựt đi làm công nhân ở xa, thu nhập chỉ đủ sống, nên lâu nay việc chữa trị bệnh cho em nằm ngoài khả năng của gia đình. Bây giờ, Minh Nhựt được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh giúp can thiệp sớm, với hy vọng em sẽ được phục hồi dần các chức năng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ: “Các nhân viên của Trung tâm cho biết, việc phục hồi chức năng cho cháu cần có nhiều thời gian vì gia đình đưa cháu đến trễ. Gia đình tôi hy vọng cháu sẽ khá hơn, có thể vận động được”. Sau hơn 1 tháng được can thiệp, việc cử động của Minh Nhựt vẫn còn khó khăn, nhưng các khớp tay, khớp chân của em đã mềm mại hơn…
Em Võ Hoài Nam ở ấp Bà Từ (Phú Tân, Tân Phú Đông) có hoàn cảnh không may như Minh Nhựt. Nam đã 8 tuổi mà như đứa trẻ lên 5. Chị Phạm Thị Kim Chi - mẹ của Hoài Nam cho biết: “Lúc mới sinh, cháu không có biểu hiện gì bất thường, thậm chí còn tỏ ra hiếu động, nghịch ngợm. Đến năm 5 tuổi, phát hiện mắt cháu có vấn đề, gia đình đưa cháu lên TP. Hồ Chí Minh khám, các bác sĩ cho biết cháu bị “chậm phát triển”.
Chị Chi và chồng đi làm mướn, thuộc hộ nghèo, không khả năng điều trị bệnh cho con. Cách đây 6 tháng, biết tỉnh có Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập nên gia đình đưa Hoài Nam đến để được can thiệp sớm. Theo đánh giá của của Trung tâm, Hoài Nam tuy đã 8 tuổi, nhưng trí não chỉ mới phát triển như trẻ 3 tuổi. Nay Hoài Nam đã biết chào, thưa người lớn khi được bảo và hòa nhập được với bạn bè trong lớp mẫu giáo, nhưng việc tiếp thu có chậm hơn các bạn cùng lớp.
Em Nguyễn Thị Kiều Oanh (hiện học lớp 43, Trường Tiểu học Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) bị teo dây thần kinh tủy sống từ lúc 2 tuổi, làm chân tay em rất yếu. Việc được đi học đối với Kiều Oanh gần như là điều không tưởng. Năm lên 6 tuổi, Oanh được xã vận động đến trường, em đi học bằng xe lăn, sức học khá tốt, tham dự thi vẽ tranh và đạt được giải thưởng cao… Hiện Oanh rất vui vẻ, khác xa những ngày còn nhỏ.
Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT), Phó Ban điều hành Dự án Giáo dục hòa nhập tỉnh cho biết: Hiện tại, Dự án Giáo dục hòa nhập (do NMA tài trợ) được triển khai thực hiện tại Chợ Gạo, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho. Sắp tới, tỉnh sẽ mở rộng thêm một số địa phương để có nhiều em khuyết tật được can thiệp sớm, hòa nhập cộng đồng.
MINH CHÂU