Thứ Sáu, 06/12/2013, 09:33 (GMT+7)
.

Tăng cường GD bình đẳng giới giữa trẻ em trai và gái trong gia đình

Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006 đã góp phần làm giảm sự bất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình. Bình đẳng giới giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình được hiểu là: Trong gia đình, trẻ em trai và trẻ em gái đều được bình đẳng trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền sống, quyền được học tập, bình đẳng trong việc thực hiện các công việc trong gia đình, bình đẳng về quyền được nghỉ ngơi, được vui chơi và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi.

Các thành viên là người lớn trong gia đình không được có hành vi phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Nhiều gia đình mặc dù sinh hai bé gái nhưng vẫn thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, không sinh thêm con để đảm bảo tốt việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Mặt khác, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích các em đi học ở các trường tiểu học công lập không phải đóng học phí để tạo điều kiện cho trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình đều được đến trường học tập như nhau. Do vậy, từ năm 2000 đến nay, số lượng nữ học sinh bậc THPT tăng lên đáng kể. Đây là một dấu hiệu tích cực để đánh giá sự bình đẳng trong học tập giữa nam và nữ…

Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền sống còn của trẻ em gái đang bị đe dọa do tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính của thai nhi trước khi sinh ra đã làm cho nhiều đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ đã bị tước đoạt quyền được sinh ra và được sống; phần lớn là do áp lực từ phía gia đình. Theo số liệu của cơ quan chức năng, ở nước ta hiện nay, có nơi tỷ lệ sinh là 135 bé trai/100 bé gái.

Riêng Tiền Giang là 112,5 bé trai/100 bé gái. Trong nhiều gia đình, vẫn còn tồn tại sự phân công chênh lệch các công việc trong gia đình đối với trẻ em trai và trẻ em gái. Trẻ em gái phải bắt đầu làm việc khi còn ít tuổi, trong khi đó trẻ em trai có nhiều cơ hội đến trường học tập. Nhiều trẻ em gái đã bắt đầu kiếm sống để tồn tại, trong khi công việc của trẻ em gái thường bếp bênh và chất lượng thấp; thậm chí trẻ em gái có nguy cơ bị buôn bán. Trong một số gia đình, trẻ em trai thường có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động giải trí khác nhiều hơn trẻ em gái…

Từ thực trạng trên, việc phân biệt đối xử về giới trong gia đình là vấn đề cần được tập trung giải quyết, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất. Muốn vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Sự nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới của gia đình sẽ quyết định hành vi của người lớn trong việc chăm sóc, giáo dục, đầu tư… cho trẻ em trai và trẻ em gái như nhau. Mặt khác, đẩy mạnh giáo dục khoa học về giới trong hệ thống nhà trường sẽ giúp học sinh nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống, từ đó giúp các em sớm có ý thức trong xây dựng gia đình sau này.

Trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp.

CHÂU HẢO

.
.
.