Thứ Sáu, 06/12/2013, 11:45 (GMT+7)
.

Tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển

Bà Phan Thị Sàng, Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đều xây dựng kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ. Việc đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu của người lao động và nhu cầu thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ đổi mới và tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, đã tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ và nhu cầu…”.

Giờ thực hành của học viên lớp kỹ thuật nấu ăn.
Giờ thực hành của học viên lớp kỹ thuật nấu ăn.

Chỉ riêng năm nay, Trung tâm đã tổ chức được 28 lớp dạy nghề cho khoảng 900 học viên, trong đó có trên 50% học viên tham gia học nấu ăn, số còn lại học nghề may công nghiệp, kỹ thuật trang điểm, uốn tóc, làm móng và làm bánh kem. Các lớp học đã đem lại hiệu quả cải thiện điều kiện sống cho người lao động. Sau khi học xong lớp nấu ăn, các chị thành lập nhóm dịch vụ nấu ăn phục vụ nhu cầu thợ nấu đám tiệc; một số chị về mở quán ăn, mở dịch vụ cơm hộp phục vụ công ty, xí nghiệp. Phần đông học viên các lớp may công nghiệp đều tìm được việc làm tại các công ty, tổ hợp may. Học viên lớp làm móng và trang điểm cũng tự tạo được việc làm cho mình.

Hội LHPN thị trấn Cai Lậy là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức ra mắt Tổ dịch vụ nấu ăn gia đình. Tổ có 15 thành viên, là những phụ nữ thiếu việc làm ở thành thị, được Hội LHPN tổ chức dạy nghề nấu ăn. Sau khi tốt nghiệp, các chị đã tập hợp lại phục vụ đám tiệc tại các gia đình. Chị Ung Thanh Nhàn, tổ trưởng cho biết, tùy theo thực đơn chủ nhà yêu cầu, phí nấu ăn từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/bàn. Khi khách có nhu cầu thì liên hệ với tổ trưởng. Tổ trưởng sẽ điều động tổ viên luân phiên tham gia. Từ tháng 4 đến nay, tổ đã phục vụ nấu ăn hàng chục đám tiệc, thu nhập mỗi chị được cả triệu đồng/tháng.

Do đó, tổ chính thức ra mắt để hoạt động chuyên nghiệp hơn. Ngoài việc nhận nấu ăn cho khách, thành viên của tổ đều tự mở được quán ăn nhỏ bán thức ăn sáng, cơm trưa… “Nói chung, sau khi học nghề, chúng tôi rất phấn khởi vì có thể tạo cho mình việc làm tại chỗ, vừa có thu nhập, vừa chăm sóc gia đình” - chị Nhàn chia sẻ.

Ngoài dạy nghề, Trung tâm còn tổ chức 2 tổ liên kết sản xuất là: Tổ hợp tác may Vạn Thành ở xã Bình Nghị (Gò Công Đông) và Tổ liên kết phụ nữ đan đệm bàng ở xã Tân Hòa Thành (Tân Phước). Tổ hợp tác may Vạn Thành có 34 thành viên, trong đó có 18 phụ nữ nghèo, cận nghèo. Các phụ nữ khó khăn này được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi chị để mua máy may. Tổ liên kết phụ nữ đan đệm bàng có 30 thành viên, đều là phụ nữ khó khăn. Các chị được hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng để mua bàng. Bên cạnh đó, các chị còn được hỗ trợ kiến thức về kỹ năng tổ chức hoạt động tổ liên kết sản xuất; kỹ năng quản lý và điều hành nhóm; kỹ năng tiếp thị và lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Bằng nỗ lực của mình, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội LHPN tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chung của tỉnh về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động.

THỦY HÀ

.
.
.