Thực hiện tốt ở mục tiêu y tế, GD&ĐT trong thực hiện bình đẳng giới
Về mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị chưa đạt kết quả mong muốn. Tỷ lệ nữ tham gia công tác trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội trên phạm vi toàn tỉnh cũng còn khiêm tốn, chưa đạt tỷ lệ phấn đấu.
Từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, tính tỷ lệ bình quân toàn tỉnh, nữ tham gia BCH đảng bộ các cấp là 801/4.885 (chiếm tỷ lệ 16,4%), nhưng hiện nay chỉ còn 798/4.875 nữ (chiếm 16,3%) so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2010- 2015 đạt 20%, so với nhiệm kỳ 2005 - 2010 giảm 2,22%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước; riêng cấp tỉnh giảm 0,51% so với nhiệm kỳ trước.
Tỷ lệ học sinh nữ bậc THPT ngày càng tăng. Ảnh: Ngô Viết Ngọc |
Nguyên nhân chính vẫn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong thời gian qua còn nhiều nơi làm chưa tốt; có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ kế thừa để thay thế, nhất là những ngành có đông nữ. Mặt khác, nhận thức và đánh giá của cấp ủy, chính quyền và một số đơn vị cơ sở về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bô, công chức nữ chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ; hiện tượng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa chị em phụ nữ còn khá phổ biến; bản thân một số cán bộ nữ còn bị ràng buộc gia đình, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, đã hạn chế việc đưa cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp.
Về mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, đã tư vấn cho khoảng 20 ngàn lượt lao động. Qua đó, hàng năm có khoảng 10 ngàn lao động tìm được việc làm, trong đó nữ lao động chiếm 55 - 60%. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn từ Chương trình Xóa đói giảm nghèo và còn mở ra các hộ cận nghèo. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp toàn tỉnh hiện có 1.214 người (tổng số 4.473 doanh nghiệp), chiếm tỷ lệ 27,27% (chỉ tiêu là 30% vào năm 2015).
Về mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đều thực hiện vượt trước thời hạn. Liên tục trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực vận động, hỗ trợ các điều kiện để phụ nữ dưới 40 tuổi tham gia Chương trình Chống mù chữ. Đến nay, tỷ lệ biết chữ của độ tuổi dưới 40 trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả 4 xã khó khăn nhất của huyện Tân Phú Đông (trừ diện miễn giảm do đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương) đã đạt tỷ lệ 100% (chỉ tiêu là 99,9% vào năm 2015).
Về tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên đã và đang học sau đại học chiếm tỷ lệ 53,18% (so với chỉ tiêu của UBND tỉnh đến năm 2015 là 40%, chỉ tiêu của ngành tỉnh là 55,13%). Tỷ lệ đến lớp của nam và nữ từ bậc học Mầm non đến THCS tương đương nhau; riêng bậc THPT, tỷ lệ nữ đi học cao hơn nam.
Về mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 112,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt 100,4% (chỉ tiêu năm 2015 là 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái). Tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống còn 17/100.000 ca.
Về mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa- thông tin được thực hiện tốt. Bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền, Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, huyện (tương đương) đã thu hồi, tiêu hủy nhiều băng đĩa bạo lực gia đình và mang định kiến bình đẳng giới.
Về mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới từng bước cải thiện. Trước đây, công việc nội trợ gia đình và chăm sóc con cái thường do phụ nữ lo toan, gánh vác là chính; thế nhưng hiện nay, những công việc này đã được sự chia sẻ ngày càng nhiều của nam giới.
Số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn về pháp luật và sức khỏe, hỗ trợ và chăm sóc thông qua 152 CLB Gia đình phát triển bền vững, 152 Đội Phòng, chống bạo lực gia đình tại 77/169 xã (phường, thị trấn) và có 447 “Địa chỉ tin cậy” đặt tại trụ sở ấp (khu phố) văn hóa, làm nơi tạm lánh khi có bạo lực xảy ra. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 1.122 vụ bạo lực gia đình, tất cả đều được tư vấn về pháp luật và được hỗ trợ, chăm sóc khi cần thiết. Mặt khác, các tổ hòa giải của Hội LHPN cơ sở cũng đã kịp thời giải quyết, ngăn chặn, làm giảm số vụ bạo lực gia đình so với trước đây.
Về mục tiêu nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, được Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt thông qua Chương trình phối hợp về thực hiện các mục tiêu Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trong các sở, ban, ngành, đoàn thể. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh còn phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, qua đó phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong việc tham gia đóng góp các vấn đề liên quan đến xã hội.
Nhìn chung, việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó khơi dậy ý thức của cộng đồng trong việc chống phân biệt đối xử với phụ nữ và nâng cao ý thức về giới trong việc xây dựng, bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, hiện tượng ngược đãi phụ nữ trong gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm... diễn biến rất phức tạp ở một số địa bàn, làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, thể lực, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái. Trong từng mục tiêu vẫn còn có những chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với kế hoạch đề ra hoặc có chỉ tiêu đạt nhưng chưa vững chắc. Đặc biệt, dù có những tác động tích cực về chính sách chung và có những chuyển biến trong nhận thức, nhưng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý so với mục tiêu đề ra vẫn còn khoảng cách tương đối lớn.
NGỌC HÀ