Thứ Hai, 16/12/2013, 08:57 (GMT+7)
.

Thương tiếc Cụm trưởng Pháo mặt trận Vành đai Bình Đức đầu tiên

Đồng chí Trần Lang, nguyên Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Khu 8, Chủ nhiệm Pháo Khu 8, Cụm trưởng Pháo mặt trận Vành đai Bình Đức đầu tiên đã ra đi! Ông là người dân tộc, được gia đình cho về Hà Nội học từ nhỏ và sớm theo cách mạng trước năm 1945.

Vốn đẹp trai, viết chữ đẹp, hòa nhã nên ông được mọi người thương và trưởng thành nhanh chóng. Là Đại đội trưởng Phòng không Đại đoàn 316 đánh trận Điện Biên Phủ, ông đã cho pháo khống chế sân bay Mường Thanh, yểm trợ Đồi A1, cùng đồng đội đánh toàn thắng trận Điện Biên Phủ.

Ông sớm vượt Trường Sơn vào Khu 8 với quân hàm Đại úy, thay đồng chí Ba Mỹ làm Chủ nhiệm Pháo khu vào năm 1964.

Là người có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện, ông sớm thông thạo địa hình, dân tình, địch tình. Đặc biệt, ông được cô bác ở các vùng trọng điểm Mỹ Tho, Bến Tre quý mến; nhất là ở mặt trận Vùng vành đai Bình Đức, Vùng Bắc lộ 4, Châu Thành và  Mỏ Cày - Bến Tre.

Ông rất chú trọng đào tạo cán bộ pháo binh cho toàn khu ở Mỏ Cày và từng ở đất Campuchia đào tạo, cung cấp đội ngũ cán bộ pháo đủ sức chi viện cho bộ binh của các Tiểu đoàn 261, 263, 267, 265 lập nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, năm 1965, ông đã cho cối 82 tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất đầu tiên, gây tiếng vang lớn, khiến địch kinh hoàng.

Khi sư 9 Mỹ vào Đồng Tâm năm 1967 để khống chế Nam bộ, ông đã đề xuất với khu lập cụm pháo. Chính ông cùng đồng chí Lê Quế, Hai Phát dẫn đoàn cán bộ về 2 huyện Châu Thành của Mỹ Tho và Bến Tre lấy quân huấn luyện để kịp tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.

Từ ngày mồng 3 Tết, khi cụm pháo có đạn, những loạt đạn pháo của ta từ nhiều hướng đồng loạt nổ tung các mục tiêu trong căn cứ địch, đánh tàu địch trên sông Cửu Long, kiềm chế cho bộ binh ta đánh Mỹ Tho suốt chiến dịch. Tới tháng 3-1968, ông được điều về làm Trưởng đoàn 963, tiếp nhận hàng tàu không số chi viện miền Nam tại Thạnh Phú.

Tôi, đồng chí Lê Quế, Hai Phát, Lê Minh Quân thay thế để thành lập Tiểu đoàn pháo 309 của quân khu, bám trụ tiếp tục đánh Mỹ - ngụy, buộc chúng phải rút về Mỹ sớm nhất (tháng 6-1969) và bị xóa sổ khỏi quân lực Mỹ. Sau đó, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 (E3) và Phó Tham mưu trưởng khu. Trước năm 1975, ông  được đi an dưỡng ngoài Bắc.

Chiến tranh biên giới nổ ra, ông được điều về làm Tư lệnh tiền phương tỉnh Hà Giang, đánh bọn bành trướng nhiều đòn chí tử, giữ vững biên cương Tổ quốc, sau đó về hưu ở Hà Nội.

Cả cuộc đời ông cống hiến và chiến đấu ở rất nhiều điểm nóng. Suốt đời vì dân quên mình, liêm khiết, trong sáng, ông được Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý.

Ông là người nặng tình nặng nghĩa, coi Mỹ Tho, Bến Tre là quê hương thứ hai, đặc biệt là vùng vành đai Bình Đức ai cũng nhắc, cũng thương anh Hai quý mến!

Khi ở Hà Giang, đang chỉ huy đánh tàu, nghe đoàn Mỹ Tho tới thăm, ông đã trực tiếp cử cán bộ tìm cho được cá lóc nướng trui tiếp đàng hoàng. Ông nhắc chúng tôi luôn về thăm, trả ơn những người cưu mang mình đánh giặc. Đã nhiều lần ông tự vào Nam cùng con thăm đồng chí, đồng bào.

Đã 84 tuổi, với bệnh “gút” hiểm nghèo, mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện 108 tận tình cứu chữa, nhưng không qua khỏi. Người lính Điện Biên năm xưa, người pháo binh vành đai năm nào đã theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi hư vô vào ngày 11-12-2013. Lễ tang được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng vào ngày 16-12-2013. Thế là nguyện vọng vào Nam thăm lần cuối của ông không thành.

Trong giờ phút linh thiêng này, tại Mỹ Tho, chúng tôi cũng tổ chức tưởng niệm anh Hai!

Ngày 14-12-2013
SỸ HIỆP
(Nguyên Phó Chỉ huy mặt trận Vành đai Bình Đức)

.
.
.