Cảnh sát Giao thông đường thủy: Giữ vững bình yên trên sông nước
Những lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy như: chở hàng hóa vượt quá vạch mấu mớn an toàn, chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; các bến khách, bến lên xuống hàng hóa chưa đảm bảo an toàn theo quy định; việc xây dựng các công trình, nhà ở, các đáy cá ven sông thường xuyên lấn chiếm luồng ghe tàu qua lại gây cản trở giao thông, đó là “điệp khúc” xảy ra thường xuyên trên các tuyến giao thông thủy cần được xử lý để giữ vững sự bình yên cho vùng sông nước.
CSĐT-CATG tuyên truyền hành khách mặc áo phao khi qua đò. |
Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát Đường thủy - Công an tỉnh (CSĐT) đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo thông suốt trên các tuyến giao thông thủy, như: tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, tập trung ở các địa bàn trọng điểm ven sông, các bến khách ngang sông, bến tàu du lịch, chợ nổi, các chủ phương tiện… gắn với phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống các loại tội phạm.
Mặt khác, phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền trong sinh viên, học sinh nắm vững các nguyên tắc khi tham gia giao thông bằng đường thủy qua việc phát động Phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, hay Chương trình hành động “Vì trẻ em trên sông nước”. Bởi lẽ, thời gian gần đây trên các tuyến giao thông thủy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người rất thương tâm, gây nỗi ám ảnh đối với mọi người khi tham gia giao thông trên các phương tiện thủy.
Song song đó, lực lượng CSĐT tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trên các tuyến giao thông. Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý trên 18.000 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Phối hợp với các ngành chức năng như:
Bộ đội biên phòng, Thanh tra giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm tỉnh, Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III và công an địa phương tiến hành kiểm tra các luồng, tuyến, bến bãi, các đáy cá và phương tiện thủy, phát hiện và xử lý trên 400 trường hợp vi phạm.
Phối hợp với Thanh tra chuyên ngành và Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 11 kiểm tra hoạt động khai thác cát, vận chuyển khách du lịch; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, qua đó phát hiện và xử lý trên 200 trường hợp vi phạm.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình trật tự ATGT thủy trên địa bàn tỉnh được giữ vững, các tuyến giao thông đảm bảo thông suốt, nhất là trên các tuyến giao thông huyết mạch: kinh Chợ Gạo, sông Tiền… Đảm bảo an toàn cho các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí của nhân dân, các đoàn khách quốc tế đến làm việc và tham quan du lịch tại Tiền Giang, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, TNGT được kiềm chế, trong năm qua chỉ xảy ra 7 vụ và không thiệt hại về người, nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm quy tắc giao thông.
Thực tế cho thấy, các phương tiện chở khách ở các bến đò ngang, dọc trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn TNGT nguy hiểm đến tính mạng do không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông như: phương tiện quá cũ, chở quá số người quy định, hành khách không mang áo phao khi đi trên phương tiện vận tải hành khách trên sông trong suốt hành trình.
Về việc quy định của pháp luật, hành khách phải mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, Trung tá Lê Hồng Mến, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Xử lý vi phạm, Phòng CSĐT cho biết, Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa (có hiệu lực từ ngày 15-10-2013), thay thế Nghị định 48/2011/NĐ-CP và Nghị định 60/2011/NĐ-CP.
Theo đó, hành khách bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Hiện nay, lực lượng CSĐT tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở các khu vực bến bãi ven sông, chủ các phương tiện giao thông thủy, chủ đò ngang, dọc trên địa bàn tỉnh về những quy định mới của Chính phủ trong Nghị định 93/2013/NĐ-CP.
LH