Chuyện về ông Bí thư Đảng ủy bộ phận
Ông Nguyễn Văn Đông (đứng giữa) nhận Giấy khen của UBND TP. Mỹ Tho. |
Trở về với cuộc sống đời thường, Thượng tá Nguyễn Văn Đông (Tư Đông, sinh năm 1945, ngụ khu phố 12, phường 6, TP. Mỹ Tho) mới có điều kiện làm kinh tế để lo cho các con tiếp tục con đường học vấn, bước vào giảng đường đại học.
Ông bộc bạch: lương của vợ chồng tôi không thể lo nổi cho các con ăn học. Thế nên, dù đã nghỉ hưu, tôi vẫn phải cố gắng làm kinh tế để có tiền trang trải chuyện học hành của các con.
Chuyện làm kinh tế của ông Tư Đông lúc bấy giờ cũng chỉ là chăn nuôi, do không có vốn kinh doanh (vợ ông đang dạy học ở Trường Quân sự Quân khu 9).
Ông nuôi 3 con heo nái và 2 con bò nái, khuya sớm chuyên cần. Hình ảnh ông thượng tá quân phục bạc màu, nón lá đội đầu che nắng che mưa chăn bò, nuôi heo đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Và cứ thế, hết xuất chuồng lứa heo con, bê con này là đến lứa heo con, bê con khác và lần lượt 3 người con của vợ chồng ông đều tốt nghiệp đại học.
Không chỉ làm tốt việc nhà, ông Tư Đông còn tích cực đảm đương công tác xã hội, từng làm chi ủy viên rồi làm bí thư chi bộ. Năm 2010, được sự tín nhiệm của Đảng bộ, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy bộ phận khu phố 12. Lúc đó, khu phố 12 có nhiều cái nhất: Địa bàn rộng nhất (67 ha), dân cư đông nhất (3.400 nhân khẩu) và tình hình an ninh trật tự phức tạp nhất (vì địa hình bị chia cắt bởi Quốc lộ 60 chạy qua, trên địa bàn có không dưới 100 nhà trọ, nhà cho thuê, khách sạn, nhà nghỉ…).
Đảng bộ bộ phận do ông phụ trách có đến 198 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ. Các đoàn thể đều phải chia 2 như: Chi hội Cựu chiến binh A và B, Chi hội Phụ nữ A và B, Chi hội Nông dân A và B… Phường 6 sở dĩ chưa được công nhận phường văn hóa cũng chỉ vì khu phố 12 chưa ra mắt được khu phố văn hóa. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bộ phận khu phố 12, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra nhiệm vụ hoàn thành các tiêu chí văn hóa, quyết tâm phấn đấu đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa” trong năm 2012.
Nhiệm vụ và quyết tâm của Đảng bộ bộ phận là một thách thức, một trọng trách nặng nề đặt lên đôi vai của tân Bí thư Đảng bộ bộ phận Nguyễn Văn Đông lúc bấy giờ. Ông đã cùng với BCH Đảng bộ bộ phận từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng khu phố 12 trở thành khu phố không có mại dâm, ma túy; khu phố không có trẻ em vi phạm pháp luật; khu phố an toàn về an ninh trật tự và tháng 12-2012 được công nhận khu phố văn hóa.
Cũng trong thời gian này, khu phố 12 được tách làm 2 khu phố: Khu phố 12 và Khu phố Mỹ Thạnh Hưng. Bước sang tuổi 70, ông Nguyễn Văn Đông, người đảng viên nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng vẫn được Đảng tín nhiệm giao trọng trách làm Bí thư Đảng bộ bộ phận Khu phố 12.
Tham gia nhập ngũ từ năm 1963, đến khi nghỉ hưu, ông Tư Đông có 34 năm phục vụ trong quân đội. Ông kể cuộc đời chinh chiến của ông lắm gian truân, trải qua 3 lần Nam tiến mới chọn được mảnh đất lành này làm quê hương thứ 2. Lần thứ nhất vào năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh, ông được lệnh vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Tham gia Chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968 trên chiến trường Trị Thiên - Huế, ông bị thương và được ra Bắc điều trị.
Năm 1969, sức khỏe hồi phục, ông lại được lệnh vượt Trường Sơn lần 2 vào chiến trường B2 miền Đông Nam bộ tiếp tục chiến đấu, tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có các Chiến dịch Chenla I, Chenla II, giúp bạn Camphuchia tiêu diệt bọn phản động. Năm 1972, ông lại được ra Bắc.
Đến năm 1976 vào Nam lần thứ 3, được cử đi học Học viện Lục quân Đà Lạt. Ra trường, ông được điều về công tác tại Trường Quân sự Quân khu 9 cho đến khi nghỉ hưu. Được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, có một bề dày thành tích trong chiến đấu, có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, lãnh đạo, công tác vận động quần chúng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt và có tính kỷ luật cao, ông Tư Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG