Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Thiết thực chăm sóc nạn nhân
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang được thành lập vào ngày 21-4-2005, rồi lần lượt Hội cấp huyện và xã cũng được thành lập; đến nay toàn tỉnh có 163 tổ chức Hội 3 cấp (trong đó Hội cơ sở là 152/169 đơn vị hành chính cấp xã), 355 Chi hội ấp, khu phố. Đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 9.492 hội viên (trong đó có 2.933 hội viên là nạn nhân).
Năm 2009, Tỉnh Hội tiến hành khảo sát 1.000 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp đến nhiều huyện như Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công Đông, Gò Công Tây cũng khảo sát được hơn 4.000 nạn nhân. Những năm tiếp theo và đến nay công tác khảo sát, nắm tình hình nạn nhân luôn được các cơ sở Hội quan tâm thực hiện thường xuyên để có cơ sở xác định đúng nạn nhân cần giúp đỡ.
Giai đoạn 2009 - 2013, toàn tỉnh đã khảo sát được hơn 29.000 lượt nạn nhân, qua đó bổ sung thêm vào danh sách quản lý hàng trăm nạn nhân; đồng thời đưa ra khỏi danh sách gần 200 nạn nhân không đảm bảo đúng tiêu chí. Số nạn nhân toàn tỉnh tính đến nay là 9.788 người; trong đó nạn nhân được hưởng chế độ người có công là 1.591 người; hưởng chế độ theo Nghị định 13 của Chính phủ là 4.962 người.
Đối với công tác vận động giúp đỡ nạn nhân: Đây là một trong hai nhiệm vụ chủ yếu của công tác Hội. Xác định nhiệm vụ tất cả vì nạn nhân da cam, từng cấp Hội rất chủ động, sáng tạo và có nhiều giải pháp rất hiệu quả trong công tác vận động mọi nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức.
Hình thức vận động được thực hiện nhiều nhất là: cán bộ Hội đi vận động trực tiếp từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm; thông qua mối quan hệ quen biết gián tiếp vận động giúp đỡ nạn nhân; phối hợp với các tổ chức, cơ quan khác cùng đi vận động cho nạn nhân da cam; phát hành thư ngỏ; tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ; xây dựng chương trình giúp đỡ lâu dài cho nạn nhân;…
Phần vật chất ủng hộ nạn nhân cũng khá đa dạng: tiền mặt, quần áo, xe lăn, thuốc trị bệnh, tập viết, con giống để chăn nuôi,… Nổi bật trong sự giúp đỡ này là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên - Môi trường, Tỉnh đội; các đơn vị kết nghĩa như Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, Trẻ khuyết tật và Người tàn tật; các doanh nghiệp: Công ty ANCO, Công ty APOLO, Công ty Xổ số kiến thiết, Thông tấn xã - Phân xã Tiền Giang, Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm, Công ty Long Giang; các cơ sở thờ tự trong tỉnh.
Nhờ sự giúp đỡ này mà hơn 8 năm qua, toàn tỉnh đã trao tặng cho nạn nhân 26.322 suất quà, 10.855 suất lương thực và 2,5 tấn lương thực, 404 xe lăn, xe lắc, xây dựng 275 nhà tình nghĩa, tình thương, 4.870 lượt nạn nhân được khám bệnh cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ mổ tim 03 nạn nhân, trợ cấp khó khăn đột xuất và thường xuyên 3.270 suất, trợ vốn sản xuất cho 199 hộ, trợ vốn chăn nuôi cho 138 hộ thông qua chương trình “Vượt khó cùng ANCO”, cấp 23 suất học bổng, tặng 1,4 tấn quần áo và 3.500 quyển tập.
Tổng số tiền mặt và vật chất đã vận động giúp nạn nhân là 22.429.103.000 đồng. Nhờ sự chăm sóc nhiệt tình đầy trách nhiệm của các cấp Hội và toàn xã hội đã giúp hơn 9.000 nạn nhân trong tỉnh có điều kiện cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn về vật chất, tăng cường sức khỏe và phục hồi chức năng do bệnh tật, nâng dần chất lượng cuộc sống cho nạn nhân và gia đình họ.
Có thể khẳng định, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trong 8 năm qua, nên được Trung ương Hội đánh giá là một trong số ít tỉnh đã thực hiện tốt công tác vận động và giúp đỡ nạn nhân.
Phong trào thi đua: Năm 2007, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội phát động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã thành lập Hội đồng thi đua - khen thưởng và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Trong từng năm và mỗi nhiệm kỳ Hội đồng đã xét khen và đề nghị các cấp khen tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen cho hoạt động Hội. Riêng Tỉnh Hội trong 8 năm qua Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng 10 Bằng khen, 01 cờ thi đua và tại đại hội nhiệm kỳ III, Tỉnh Hội được ủy ban nhân dân tỉnh tặng bức trướng “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”.
Trong 8 năm qua hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là chăm sóc cho 9.788 nạn nhân toàn tỉnh; điều có ý nghĩa là giúp họ và gia đình chấp nhận thực tế về bệnh tật, xóa dần mặc cảm, tự lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần duy trì và ổn định kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Trong hoạt động của mình, Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan hữu quan; sự tích cực hoạt động của tổ chức Hội các cấp; đặc biệt sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân với tư cách là mạnh thường quân, nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái.
Với kết quả đạt được trong 8 năm qua giúp Hội có dịp nhìn lại những mặt công tác đã làm và đạt kết quả; đồng thời rút kinh nghiệm những hoạt động chưa đạt để có kế hoạch, biện pháp hiệu quả hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Với phương châm “Vì nạn nhân chất độc da cam”; toàn Hội phấn đấu tiếp tục thực hiện tốt 5 tiêu chí thi đua của Trung ương Hội phù hợp với từng địa phương.
TẤN QUÂN