Thứ Năm, 02/01/2014, 09:22 (GMT+7)
.

Hội Sinh vật cảnh: 5 năm - một chặng đường phát triển

Kết thúc nhiệm kỳ lần thứ I (năm 2008), Hội Sinh vật cảnh chỉ mới thành lập được 6 Hội huyện (thành, thị), 41 Hội xã (phường, thị trấn) với 1.040 hội viên và một số câu lạc bộ (CLB) chuyên ngành hoa lan, bonsai, kiểng cổ. Hoạt động của Hội vẫn còn mang tính hình thức, chưa chú trọng phát triển nâng lên thành những mô hình sản xuất đem lại lợi ích về kinh tế.

Ông Nguyễn Kha, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Tiền Giang báo cáo tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.
Ông Nguyễn Kha, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Tiền Giang báo cáo tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.

5 năm sau, kết thúc nhiệm kỳ lần thứ II, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, tính đến tháng 10-2013, Hội đã tuyên truyền, vận động thành lập thêm 4 Huyện hội và 76 Hội xã (phường), phát triển 3.640 hội viên, nâng tổng số lên 10/10 Hội huyện (thành, thị), 117/169 Hội xã (phường, thị trấn), với 4.680 hội viên và 33 CLB chuyên ngành hoa, hoa lan, bonsai, kiểng cổ, non bộ, chim cảnh, cá cảnh…

Thông qua công tác tuyên truyền, Hội đã góp phần làm cho hội viên và mọi người, mọi giới, các cấp, các ngành hiểu được lợi ích thiết thực của sinh vật cảnh, đó là: Ngoài việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao nhu cầu hưởng thụ về tinh thần thẩm mỹ cho mọi người, còn mang lại lợi ích về kinh tế.

Hoạt động của Hội không chỉ phát triển về bề rộng mà còn chú trọng cả chiều sâu, vừa kết hợp sở thích với sự đam mê, vừa gắn thu nhập kinh tế với thú chơi tao nhã “làm chơi, ăn thiệt”.

Để không ngừng nâng cao năng lực về trình độ nhận thức, trình độ kỹ thuật - nghệ thuật, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn về sinh vật cảnh (5 năm qua mở được 105 lớp với 3.428 lượt người tham dự).

Đặc biệt có 3 lớp được Liên minh Na uy - Việt Nam tài trợ cho 95 hội viên và 11 vườn kiểng thực hành đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức 9 cuộc hội thảo, toạ đàm về chuyên đề sinh vật cảnh; kết hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh mở 1 cuộc hội thảo về cây xanh với kiến trúc văn hóa - môi trường đô thị; 1 cuộc hội thảo chuyên đề về cây kiểng cổ và 2 cuộc hội thảo về cây kiểng cổ gắn với chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hội Sinh vật cảnh đã đưa 800 tác phẩm tham gia hội thi, hội chợ triển lãm, trong đó có 72 tác phẩm đoạt Huy chương (15 Vàng, 24 Bạc, 33 Đồng) và 62 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.

Đẩy mạnh phong trào giao lưu, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm với các tỉnh bạn, 5 năm qua Hội đã vận động hội viên đưa 2.000 tác phẩm tham gia trưng bày, triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh  Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Định, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Đan Phượng (Hà Nội).

Đặc biệt có trên 100 tác phẩm kiệt xuất tham gia trưng bày triển lãm nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Lễ hội sinh vật cảnh và thương mại Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Đồng Tháp…

Thông qua những thành tựu đã đạt được, hoạt động của Hội Sinh vật cảnh tỉnh nhà ngày càng tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, mọi nhà, các cấp, các ngành. Hiện nay có thể khẳng định, các công trình văn hóa, trụ sở cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, nghĩa trang liệt sĩ, nhà tưởng niệm, đình, chùa, nhà thờ, công viên và nhà riêng đều trồng, trang trí hoa, cây cảnh, hàng rào cây xanh. Hoạt động sinh vật cảnh vì vậy đã thực sự đóng góp tích cực vào việc hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, được nhân dân xác nhận là một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống  tinh thần, góp phần gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều lớp học được mở ra ở các huyện, thành, thị đã tạo điều kiện giúp hội viên và nhân dân sản xuất, nuôi trồng sinh vật cảnh, góp phần tích cực trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Một bộ phận hội viên, nông dân đã hướng vào lĩnh vực tạo tác, sưu tầm, trao đổi, kinh doanh sinh vật cảnh, trồng cây nguyên liệu cung cấp cho thị trường để làm giàu chính đáng. Toàn tỉnh hiện có 300 ha trồng chuyên các loại hoa, cây cảnh, trong đó phường 9, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) đã hình thành các tổ hợp tác chuyên canh trồng hoa, cây cảnh đem lại thu nhập cao.

Từ một thú chơi tao nhã với niềm đam mê và sở thích đối với hoa lá, chim muông, bonsai, kiểng cổ… thông qua hoạt động của Hội Sinh vật cảnh đã trở thành nếp sống văn hóa lành mạnh, tạo nên cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần thẩm mỹ, vừa góp phần phát triển về kinh tế, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị.

Điều đó cho thấy, vai trò, trách nhiệm của Hội Sinh vật cảnh ngày càng có tác dụng lan tỏa trong xã hội, vừa góp phần xây dựng truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

ANH ĐẬU

.
.
.