Thứ Năm, 02/01/2014, 09:31 (GMT+7)
.

Hội SVC Bình Phục Nhất: Không ngừng lớn mạnh và vươn xa

Ông Châu Văn Em, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt cho biết: “Hội Sinh vật cảnh (SVC) của xã được thành lập vào tháng 10-2002. 10 năm qua, Đảng Ủy, UBND xã luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các nghệ nhân và hội viên phát huy tài năng.

Hoa kiểng không những làm đẹp sân nhà của từng hộ gia đình, làm đẹp môi trường, mà còn góp phần rất lớn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, Hội SVC xã Bình Phục Nhứt đã có 245 hội viên (trong đó có 19 nữ), với 8 phân hội ở 7 ấp”.

Chú Tư Hải đang chăm sóc cây mai chiếu thủy 60 năm tuổi.
Chú Tư Hải đang chăm sóc cây mai chiếu thủy 60 năm tuổi.

Nói về phong trào SVC của xã  nhà, những hội viên nơi đây luôn nhắc đến ông Nguyễn Văn Đương (Chú tư Đương, đã mất), nguyên là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Chú là người khởi xướng phong trào hoa kiểng từ những ngày xã nhà bắt tay vào xây dựng xã văn hóa và chú được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội SVC Bình Phục Nhứt sau đại hội lần thứ I.

Trải qua 10 năm song hành cùng phong trào “TDĐKXDĐSVH”, Hội SVC Bình Phục Nhứt đã trưởng thành và lớn mạnh; tiêu biểu là các phân hội ấp Bình Khương I, Bình Khương II, Bình Thọ I… luôn tích cực đi đầu trong phong trào. Các phân hội có lịch họp hàng tháng, có quy chế hoạt động riêng, hội viên có cả những cán bộ đương chức của ấp, xã, huyện tham gia. Mỗi cuộc họp đều có Bí thư, hoặc Chủ tịch UBND xã tham dự để chỉ đạo, nắm bắt tình hình và hun đúc tinh thần cho hội viên.

Ban chấp hành Hội đã chọn ra 20 thành viên có tay nghề về kỹ thuật chuyên cắt sửa kiểng cho các hộ gia đình khi có yêu cầu, cắt sửa kiểng miễn phí cho các cơ quan, trường học trong xã; nhờ vậy mà hoa kiểng trong toàn xã đều đẹp, đạt chất lượng nghệ thuật.

Hội còn tạo điều kiện để hội viên tham gia các lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa kiểng của huyện, tỉnh và tổ chức các cuộc giao lưu, tham quan trong và ngoài tỉnh để nâng cao tay nghề. Song song với việc phát triển hội viên, các chủng loại hoa kiểng ở Bình Phục Nhứt cũng được nhân rộng, phong phú và đa dạng hơn. Xã hiện có 22 ngàn gốc kiểng, 220 hòn non bộ và tiểu cảnh lớn, nhỏ; trong đó số kiểng riêng của Hội trên 14 ngàn gốc, 166 hòn non bộ và tiểu cảnh.

Chúng tôi đến thăm 2 nơi có nhiều thành tích về Hội thi “Hàng rào cây xanh và sân kiểng đẹp của tỉnh” là gia đình chú Tô Văn Hải (Chi hội phó Chi hội SVC của xã). Sân kiểng của chú Hải có 70 chậu, với nhiều chủng loại khác nhau như: me kiểng trên 10 năm tuổi, gốc mai chiếu thủy trên 60 năm tuổi…, với một hòn non bộ khá hoành tráng và tiểu cảnh độc đáo của cây gừa đã giúp sân kiểng của chú nhiều lần đạt giải thưởng hội thi:

từ giải Khuyến khích, đến giải Ba, rồi giải Nhì (2012) của tỉnh. Chú phấn khởi trò chuyện: “Phong trào Hội SVC ở đây không ngừng lớn mạnh là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, mỗi kỳ họp đều có cấp ủy Đảng và UBND tham dự để chỉ đạo, nhắc nhở.

Vui nhất là hoa kiểng của chúng tôi không chỉ làm đẹp môi trường cho gia đình mình, mà chúng còn có mặt trong các cuộc đại hội của xã, huyện, tỉnh… Hàng năm, hoa kiểng Bình Phục Nhứt luôn đứng đầu về số lượng trưng bày trong Hội Xuân của huyện Chợ Gạo. Có yêu thích và chiêm nghiệm mới thấy được cái đẹp diệu kỳ, tao nhã của kiểng. Tôi thích chơi hoa kiểng từ hồi 20 tuổi, nhưng mãi đến sau này mới có điều kiện sưu tầm và phát triển”.

Điểm hoa kiểng độc đáo thứ 2 là sân Trường THPT xã Bình Phục Nhứt, ngoài những hàng hoa kiểng được cắt tỉa đẹp mắt, người thưởng lãm không thể không trầm trồ trước nét độc đáo của cây sộp cổ 330 năm do một phụ huynh tặng lúc mới thành lập trường (năm 2005). Sự kết cấu hài hòa và giá trị nghệ thuật sân kiểng của trường này mà BGK cuộc thi “Hàng rào cây xanh và sân kiểng đẹp Tiền Giang” đã không ngần ngại chấm giải Nhì, rồi giải Nhất toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng ủy và UBND xã luôn tạo điều kiện để Hội SVC phát huy nội lực sẵn có và khắc phục một số hạn chế, không ngừng phát triển trong tương lai. Chúng tôi sẽ hỗ trợ từng phân hội thành lập nhóm đờn ca tài tử, nhóm cờ tướng, nhóm thể dục dưỡng sinh để sinh hoạt lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt của phân hội SVC.

Tạo điều kiện cho BCH hội SVC tìm ra những phương thức hoạt động hiệu quả nhất, giúp hội viên có điều kiện tham gia các lớp tập huấn nghề nghiệp, kỹ thuật. Khuyến khích hội viên gương mẫu làm hàng rào cây xanh và tích cực tham gia một số hoạt động khác, góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của xã”.

NGỌC LỆ

.
.
.