Thứ Hai, 13/01/2014, 14:12 (GMT+7)
.

Lão nông Võ Văn Chung:Xây dựng NTM là ước muốn ngàn đời của nông dân

Khi được hỏi về cảm nghĩ của một người dân trước phong trào “Xây dựng nông thôn mới” (NTM), lão nông Võ Văn Chung (bác Hai Chung - xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) cười thật sảng khoái: “Cuộc đời bác sống đến từng tuổi này, được chứng kiến quê hương đổi thay nhờ việc xây dựng NTM, đó là ước mơ ngàn đời của người nông dân, bác thật toại nguyện!”.

Chính vì suy nghĩ đó, bác Hai Chung đã đóng góp 110/310 triệu đồng tổng kinh phí để làm đường vào xóm. Lão nông 84 tuổi này từng vang danh là “Thần nông của Đồng bằng sông Cửu Long”, “Vua nhân lúa giống”, với 7 hột lúa IR36 mà ông đã lai tạo ra hàng chục tấn lúa giống IR 36; với 2 con heo nái giống của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng, ông đã nhân lên trên 600 con heo (heo nái, heo thịt, heo đực) cùng với mô hình CAVR đảm bảo vệ sinh môi trường, không bị dịch bệnh xâm nhập… Trang trại của ông đã được Bộ NN&PTNT tặng danh hiệu “Trang trại Vàng Việt Nam”.

Bác Hai Chung (Võ Văn Chung) giới thiệu trang trại nuôi heo của mình.
Bác Hai Chung (Võ Văn Chung) giới thiệu trang trại nuôi heo của mình.

NHƯ LÀ CỔ TÍCH

Nhắc đến chuyện xưa, bác Hai Chung cười tươi và kể: “Những năm đó (1977 - 1980) nông dân điêu đứng vì nạn sâu rầy, nhất là dịch rầy nâu hại lúa. Nghe ông Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ có giống lúa mới kháng rầy của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), bác liền lặn lội đến để xin thì đã hết. Thấy bác thành tâm, ông Hiệu trưởng (GS.TS. Võ Tòng Xuân) tặng bác 7 hột, bác gói kỹ mang về.

Lúc đó bác nói đùa: “Nếu ông ấy cho 7 viên kim cương chắc vẫn là 7 viên, còn 7 hột lúa này nhất định sẽ có hàng tấn lúa!”. Rồi bác gieo trong chậu được 7 cây lúa, lúa chín bác thu hoạch và cứ thế mà gieo, nhân ra; áp dụng kỹ thuật nông nghiệp, cộng với kinh nghiệm sản xuất của mình, lúa say hạt, trúng mùa.

Đến lúc giống đủ gieo sạ 3 ha ruộng nhà; thu hoạch xong bác tặng giống lại Trường Đại học Cần Thơ, cung cấp cho nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giống IR36 kháng rầy nâu rất tốt, bông lại dài, chắc hạt, cho năng suất rất cao…

Người ta gọi bác là “ông Thần Nông”, là “Vua nhân lúa giống” từ đó. Nhờ bài hát và kịch bản của tác giả Trần Nam Dân, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới biết đến bác, ông đã 2 lần đến thăm cánh đồng lúa, vườn tược nhà bác.

Vẫn cái giọng sang sảng, khỏe khoắn, bác Hai Chung tiếp tục câu chuyện: Lần đầu cố Thủ tướng về thăm, lúc ấy ông còn là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông nói: “Hai Chung, trồng trọt thì phải chăn nuôi chứ!”. Lần ấy về Sài Gòn, ông gởi cho 2 con heo nái giống của Pháp. Thế là bác nghe lời xây chuồng trại, ngày qua ngày, đàn heo tăng dần…

Bác Hai Chung trong chăn nuôi, trồng trọt đều thực hiện quy trình khép kín và liên kết “4 nhà” trong sản xuất; từ khâu quy hoạch trang trại đạt chuẩn về môi trường, an toàn sinh học trong chăn nuôi, ký hợp đồng với công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp thức ăn trực tiếp cho trang trại…

Hiện nay, bác Hai Chung có 6 trại chăn nuôi lớn, với tổng đàn heo 600 con, trong đó hơn 200 heo nái, trên 300 heo con và heo thịt, cùng 50 con heo đực để lấy tinh phối giống. Hàng năm, trang trại bác cung cấp cho thị trường trên 100 tấn heo thịt và trên 2.000 con heo giống chất lượng. Nhờ được đi nhiều nơi nên bác học hỏi và làm chuồng cho heo cách mặt đất khoảng 0,4m như nhà sàn, vừa tránh nhiễm bệnh cho heo, vừa mau khô sàn khi dội chuồng.

Bác Hai cho biết: “Chăm sóc heo như chăm sóc con trẻ, đêm khuya bác vào từng trại nghe nhịp và hơi thở của heo, nếu chúng thở gấp gáp và hơi thở nặng mùi thì lập tức tách đàn để tìm ra bệnh điều trị. Bao nhiêu năm qua, đàn heo của bác chưa hề bị nhiễm bệnh lở mồm long móng hay bệnh heo tai xanh. Chính vì vậy mà trang trại của bác được Bộ NN&PTNT tặng thưởng là “Trang trại Vàng”.

Ngoài trang trại heo, bác Hai còn thả cá tai tượng trên 2.000 m2 mặt nước, trồng 1.500 gốc bưởi da xanh, 600 cây chanh, 800 cây mít siêu sớm, 300 gốc dừa, cam dây, mận An phước… Chỉ tính riêng trang trại, doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng (lợi nhuận trên 500 triệu đồng); giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương từ 3,5- 4,5 triệu đồng/tháng.

LÃO NÔNG NHIỆT TÌNH XÂY DỰNG NTM

“Phong trào xây dựng NTM được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ban Chỉ đạo xã Lương Hòa Lạc đã thực hiện tốt Quy chế Dân chủ trong quá trình tổ chức thực hiện; người dân được phát huy vai trò chủ thể của mình trong thực hiện những tiêu chí xây dựng nên càng tích cực trong phong trào, bác Hai Chung là một trong những nhân tố tích cực nhất.

Bác đã vận động bà con hiến đất làm tuyến đường của tổ 13, Ấp An Lạc A, qua ấp Lương Phú B, dài 550m, ngang 3m; các hộ dân khác đóng góp 4 triệu đồng, riêng bác Hai đóng góp gần 110 triệu đồng…” - ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Lạc cho biết.

Đất nhà lên liếp trồng cây, nhưng bác Hai luôn giữ 15.000m2 để trồng lúa giống cung cấp cho bà con trong vùng. Bác rất ủng hộ tiêu chí sản xuất, kinh doanh gắn với mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã và kế hoạch chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất, tăng thu nhập.

Bác Hai cho biết: “Bác đang cải tạo vườn dừa để thay vào giống dừa dứa, chặt bỏ mận An phước để thay vào giống cam dây… Phải luôn nắm bắt thị trường, sớm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mới có thu nhập cao”.

Bác Hai cho biết thêm: “Bác đã được đi 5 nước: Trung Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, được tham quan các mô hình nông nghiệp của các nước này. Vào nông thôn của họ vẫn bị lội sình, so ra giao thông nông thôn của họ không hơn mình. Bây giờ mình xây dựng NTM, khi hoàn thành chắc chắn là hơn họ.

Mới có mấy năm xây dựng NTM, nhưng Lương Hòa Lạc đã thay đổi nhiều lắm cháu à!”. Quay sang đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND xã, bác Hai chia sẻ tâm huyết: “2 chú cố gắng đừng để phong trào xây dựng NTM của Lương Hòa Lạc thua xã bạn, cái gì hỗ trợ được bác sẽ giúp hết mình, làm được con lộ qua 2 ấp, bác mừng dữ lắm!”.

ÁI QUỲNH

.
.
.