Những người không cúng giao thừa
Tục lệ cổ truyền từ bao đời nay, chẳng lẽ lại có những người không cúng giao thừa!? Năm hết, tết đến, ai cũng náo nức chờ đón giây phút giao thừa thiêng liêng mừng ngày mới của một năm mới. Trên bàn thờ tổ tiên, ông bà lúc nào cũng có một mâm ngũ quả, hương hoa và một mâm cổ cho dù đơn sơ hay thịnh soạn. Công việc đó phải được chuẩn bị từ trước, có khi dăm ba ngày.
Tục lệ cổ truyền, một năm chỉ có một ngày, mấy ai không ráng lo cho chu tất. Vậy mà, thằng chả lại khẳng định chắc như đinh đóng cột với tôi rằng: “Ông không tin cũng phải, vì ông không phải là chúng tôi. Bởi chúng tôi hàng chục năm nay không cúng giao thừa”.
Thằng chả ở đây là Phạm Dũng Hoàng, Đội phó, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) Đội Vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH Một thành viên Công trình Đô thị TP. Mỹ Tho. Có nghe Dũng Hoàng kể mới tin rằng, đúng là ở trên đời quả thật có những người không cúng giao thừa. Và tự hào thay, trong đó có những người lính năm xưa đã từng cầm súng giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân, nay lại không cúng giao thừa để giữ gìn sự xanh, sạch, đẹp cho mọi người đón mừng năm mới. Dũng Hoàng cho biết: TP. Mỹ Tho mỗi ngày xả ra không dưới 150 tấn rác. Quả là một con số khổng lồ!
CCB Phan Văn Hoàng (bìa trái) và CCB Lê Văn Minh (bìa phải). |
Qua sự giới thiệu của Dũng Hoàng, tôi đã tìm gặp 2 công nhân vệ sinh Lê Văn Minh, sinh năm 1956 và Phan Văn Hoàng, sinh năm 1961, là 2 CCB làm ca đêm tại khu vực chợ Vòng Nhỏ và chợ Thạnh Trị. Cả 2 đều cho biết: “Từ 18 giờ tối mỗi ngày, những công nhân vệ sinh bắt đầu vào ca đêm. Cứ 2 người 1 xe đẩy tay. Rác được thu gom từng đống nhỏ, sau đó được chuyển lên xe.
Khoảng 12 giờ đêm, ở các điểm tập kết, từng xe rác được thu gom từ khắp các ngã đường, khu chợ lần lượt kéo về chờ phương tiện cơ giới chuyển đi. Sau 15 phút giải lao, trao đổi công việc, mọi người lại tỏa ra các ngã đường, góc phố. Cứ thế, cho đến 2 giờ sáng, những công nhân vệ sinh mới tan ca, hoàn thành công việc của mình”. Hơn 10 năm nay làm ca đêm, CCB Phan Văn Hoàng và Lê Văn Minh chưa một lần được cúng giao thừa trong căn nhà ấm cúng của mình.
Trong 365 ngày, ngày cuối năm là rác nhiều nhất vì ai cũng dọn dẹp nhà cửa mừng năm mới. Rác ở các khu chợ gấp đôi ngày thường do đột biến về nhu cầu mua bán. Cường suất lao động của những công nhân vệ sinh gấp đôi ngày thường.
Trong giây phút mọi người đang yên ấm trong nhà chờ đón khoảnh khắc giao thừa thì ngoài đường, tiếng chổi tre lại rộn rã cất lên nhanh tay hơn, gấp gáp hơn. Mãi miết, say mê với công việc của mình, giây phút giao thừa tuột dần theo những giọt mồ hôi lăn dài trên tấm áo có những lằn vạch dạ quang của những công nhân vệ sinh. Họ không cúng giao thừa chỉ vì muốn cho thành phố có những con đường sạch, đẹp mừng năm mới.
Có người nghĩ rằng, nghề quét rác là thấp hèn. Thế nhưng, Phan Văn Hoàng và Lê Văn Minh lại không nghĩ vậy, bởi “Ai cũng phải có một cái nghề để mưu sinh, tuy nghề này không được cao sang nhưng cũng chẳng có gì đáng để mặc cảm cả”.
Không chỉ yêu nghề, gắn bó với nghề, những công nhân vệ sinh còn có tinh thần trách nhiệm rất cao. Có con đường các anh phải quét đi, quét lại 2 lần chỉ vì một số người thiếu ý thức, trách nhiệm “nửa đêm lén vứt rác ra đường”, hay một cơn giông bất chợt ào qua trút lá đầy đường khi các anh vừa mới quét dọn xong.
Lê Văn Minh cho biết: “Nhiều bữa trên đường về chợt thấy rác trên con đường mình đã quét. Mà phải chi người ta vô bọc để gọn gàng còn đỡ, đằng này họ vứt tung tóe. Mệt, buồn ngủ híp mắt vẫn phải ráng ở lại quét dọn cho sạch sẽ, nếu không, cán bộ đi kiểm tra nhìn thấy, mất điểm thi đua như chơi”.
Còn Phan Văn Hoàng than: “Cực nhất là mùa mưa, đêm khuya vắng vẻ, lại thêm cái lạnh căm căm, gió rít ào ào. Bữa nào giông lớn, quét xong quay trở lại cứ như thể mình chưa quét, lá rụng đầy đường, bay tứ tung. Chẳng còn cách nào khác, đành phải quét lại ”.
Tiếng chổi tre lại cần mẫn cất lên đều đều, soàn soạt. Bóng của những công nhân quét rác đổ dài trên những con đường thanh vắng. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe Honđa đi khuya pha đèn loáng qua, làm cho những lằn vạch dạ quang trên tấm áo của những người lính năm xưa sáng lên, lấp lánh.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG