Xã Đạo Thạnh (TP.Mỹ Tho): Sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo
Từ nhiều năm nay, công tác tạo việc làm - giảm nghèo của xã Đạo Thạnh đã có bước chuyển biến rõ rệt. Chỉ trong 3 năm, xã có 108 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Những hộ chưa thoát nghèo cũng đã bớt chật vật hơn. Đó là nhờ các chính sách hỗ trợ tín dụng, quỹ giải quyết việc làm, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Hiếu đang chăm sóc 2 con bò có được từ nguồn vốn vay của xã. |
Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu (ấp Long Hòa B) là một trong những hộ nghèo của xã đã nhiều năm. Vợ chồng anh không có việc làm ổn định. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ phụ thuộc vào 2 công ruộng mùa được, mùa thất. Anh chị phải làm quần quật cả ngày mới có thể đủ ăn. Có lúc, anh chị đã tính đến chuyện cho con nghỉ học vì nghĩ mình không đủ sức nuôi con ăn học dài lâu.
Cách đây vài năm, anh được xã bảo lãnh cho vay 15 triệu đồng theo chương trình vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo để có vốn làm ăn. Có tiền trong tay, anh chị đầu tư mua bò sinh sản. Sau một thời gian, anh đã bán được lứa bò đầu tiên và có tiền hoàn vốn đợt đầu.
Anh Hiếu chia sẻ: Mặc dù nguồn vốn ưu đãi không nhiều nhưng đối với những người như tôi thì nguồn vốn này rất quý. Chính nó là nền tảng để chúng tôi có cuộc sống tạm ổn, các con được học hành như ngày hôm nay.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thanh Phong (ấp Long Hòa B) cũng từng ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trước đây, cả nhà anh không nghề nghiệp ổn định, chỉ sống nhờ vào việc tổ chức trò chơi ở các hội chợ. Khi tiền kiếm được từ công việc này không còn đủ để nuôi sống gia đình, anh trở về nhà với nỗi lo không biết làm thế nào để tiếp tục cuộc sống. Gia đình anh không ruộng đất, chỉ có nền nhà nhỏ và căn nhà trống trước trống sau.
Cách đây vài năm, anh được xã hỗ trợ vốn để sửa nhà. Thoát nỗi lo về nhà cửa, anh có thêm động lực để cố gắng. Tìm tòi khắp nơi, anh chọn nghề nuôi gà ri để phát triển. Hiện tại, anh Phong nuôi từ 3.000 - 4.000 con gà. Với cách gối đầu, mỗi tuần anh “xuất chuồng” 1.000 con gà và kiếm lời từ 1,5 - 2 triệu đồng/lượt xuất. Với mức thu nhập đó, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn.
Có thể nói, gia đình anh Hiếu, anh Phong là 2 trong hơn 100 gia đình đã thoát nghèo nhờ các nguồn vốn vay của xã. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được Đảng ủy, UBND xã và các ngành đặc biệt quan tâm và triển khai đến từng ấp, từng tổ. Xã đã điều tra, nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện để các hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay cũng như các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).
Cụ thể, Hội Nông dân đã đứng ra bảo lãnh cho 289 lượt hộ vay từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo với số tiền 2,4 tỷ đồng; trên 1,2 tỷ đồng cho 121 lượt hộ vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm; trên 512 triệu đồng từ nguồn vốn nhà ở cho 65 lượt hộ nghèo và 3 tỷ đồng cho 306 hộ cận nghèo mức 1.
Anh Nguyễn Thanh Phong chăm sóc đàn gà, nguồn thu nhập chính của gia đình. |
Hội LHPN và Hội Cựu chiến binh của xã cũng đã sử dụng khá tốt các nguồn vốn cho vay hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm, vốn cho vay hộ nghèo về nhà ở, vốn cho vay đối với hộ cận nghèo mức 1 (trong đó, Hội LHPN đã hỗ trợ 4,7 tỷ đồng cho 525 hộ vay; Hội Cựu chiến binh đã hỗ trợ 824 triệu đồng cho 82 lượt hộ vay).
Ngoài ra, xã còn phối hợp với Ủy ban MTTQ xã vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ giúp các hộ khó khăn có nhà ở; phối hợp với các đơn vị cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp tiền điện… cho các hộ khó khăn để giúp các hộ giảm bớt chi tiêu một cách tối đa.
Theo đánh giá của UBND xã, thời gian qua các hội, đoàn thể đã quản lý tốt nguồn vốn cho vay các chương trình và sử dụng đúng mục đích, bảo đảm việc thu hồi vốn. Một số hội còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả và vận động các hộ phát triển kinh tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các hộ khác cùng vươn lên.
Hiệu quả của các chương trình cho vay đã được thể hiện qua việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từng năm và sự thay đổi trong cuộc sống của những hộ gia đình được hỗ trợ. Những khoản vay tuy không lớn nhưng là cơ sở ban đầu, giúp nhiều gia đình mở lối thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Tuy thực hiện khá tốt công tác tạo việc làm, giảm nghèo, nhưng hiện tại công tác này vẫn là nỗi lo lớn cho những người có tâm huyết ở xã. Chị Phan Thị Kim Huệ, Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Đạo Thạnh cho biết: Hiện tại, ở xã có nhiều hộ rất khó thoát nghèo.
Nguyên nhân là do các hộ này không có đất canh tác, người già, neo đơn, hộ có người bệnh tâm thần, tàn tật hoặc bệnh nan y, mãn tính phải điều trị thuốc lâu dài, không có khả năng lao động. Một số hộ nghèo lại không dám vay vốn vì sợ không trả nổi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để có thể hỗ trợ các hộ này giảm bớt khó khăn.
MINH CHÂU