Thứ Tư, 26/02/2014, 13:56 (GMT+7)
.

Ông Tư bán thảm để dành tiền làm từ thiện

Ở ấp Long Bình (Yên Luông, Gò Công Tây), có ông Nguyễn Tấn Em, bà con thường gọi là ông Tư Thảm. Nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, hừng sáng là thấy ông Tư cùng chiếc xe máy cũ kỹ chở bao hàng đầy ắp những khăn, mền, võng, gối, thảm lau chân, giẻ nhắc bếp… làm từ vải vụn đến các chợ quê bán, kiếm tiền để sinh sống và dành làm từ thiện.

Ông Tư Thảm (đội nón bảo hiểm) cùng bà con ấp Long Bình san lấp “ổ gà” trên tuyến lộ 15.
Ông Tư Thảm (đội nón bảo hiểm) cùng bà con ấp Long Bình san lấp “ổ gà” trên tuyến lộ 15.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Tấn Em từng tham gia bộ đội, chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây - Nam; năm 1983 xuất ngũ về quê. Nhà nghèo, không đất sản xuất,  ông buộc phải rời quê đi tìm kế sinh nhai. Những ngày đầu lên TP. Hồ Chí Minh, ai mướn gì ông làm nấy: quét rác, phụ hồ, chạy “xe ôm”… Cuộc sống lây lất, thiếu thốn, nhưng ông Tư vẫn tận tụy với công việc, đồng cảm với những cảnh ngộ khó khăn và tự nhủ sẽ cố gắng hết sức mình để có thể giúp đỡ người nghèo. Thấy ai khó khăn là ông giúp, không mong trả công. Dạo đó, ông giúp đỡ bà con, có khi chỉ là gói xôi, trái bắp…

Gần 10 năm chạy “xe ôm” ở bến Thảo Cầm Viên (TP. Hồ Chí Minh), dành dụm ít tiền, được người quen giới thiệu, ông tìm đến một công ty của Hàn Quốc mua vải vụn về gia công thành những món đồ bà con thường xài trong nhà như: khăn lau, gối em bé, mền, võng, thảm lau chân… chở đến các chợ bán cho bà con lao động. Cũng do chở thảm đi bán dạo, nên cái tên “Tư Thảm” chết danh luôn đến bây giờ.

Khoảng 3 năm nay, có được nguồn hàng sản xuất gia công ổn định, cuộc sống khấm khá hơn, con cái trưởng thành, ông quyết định trở về quê sinh sống, làm từ thiện, giúp đỡ bà con nghèo. Căn hộ nhỏ ông ở không quá 30 m2 và mấy nhà kho chứa hàng chính là dãy chuồng trại của bà con không còn chăn nuôi nữa đã cho ông mướn lại.

Hôm nào ông Tư cũng phải có mặt ở các chợ quê, khi thì Tân Hòa, Tân Thành, Vàm Láng; lúc thì ở chợ Vĩnh Bình, Đồng Sơn; có khi ra Cầu Nổi, qua Cần Đước, Long An. Hàng ngày đi bán thảm, thấy nhiều hoàn cảnh thương tâm, ông Tư đặt ra cho mình một lối sống không tiêu xài phung phí, mà hết sức tiết kiệm để có dư giúp đỡ bà con.

Có người biết hoàn cảnh kinh tế của ông đã nói: “Điều kiện ông Tư có thể thảnh thơi nghỉ ngơi, đi du lịch đây đó cho sung sướng, nhưng ông vẫn tất bật với công việc và vẫn giữ nếp sống giản dị, tiết kiệm để làm việc thiện. Việc ông giúp đỡ có khi là những suất học bổng, phần quà Trung thu cho trẻ em nghèo; cái mền, chiếc áo ấm cho các cụ cao tuổi; vài trăm ngàn đồng giúp vốn cho ông lão mù bán vé số…

Ông Tư còn góp sức xây dựng những mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết... Hễ nơi nào cần sự giúp đỡ là ông đến, dù chưa quen biết. Ở trong xóm, có gia đình nghèo quá, định cho con nghỉ học, ông Tư đến tận nhà động viên phải cố gắng cho con đến trường, bởi gia tài của cha mẹ để lại không phải là tiền của mà là con chữ và nghề nghiệp. Vậy là hôm sau đi bán thảm về, ông mua cái cặp và 10 cuốn tập đến nhà tặng em học sinh nghèo…

Ông Phạm Thành Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Yên Luông, cho biết: “Năm qua, tham gia Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, ông Tư đã bỏ tiền túi ra 4 đợt, tổng cộng hơn 20 triệu đồng để mua cát, đá, xi măng… cùng bà con trong ấp bỏ công san lấp các “ổ gà, ổ voi” trên tuyến đường nông thôn lộ 15, dài trên 3 km, để xe cộ đi lại dễ dàng, giảm bớt tai nạn giao thông.

Nhiều khi đi bán trên đường về, thấy chỗ nào rác thải bừa bãi, cây cối gie ra, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông là ông Tư thấy “ngứa” con mắt, dừng xe lại dọn dẹp, chặt mé, có hôm mãi mê công việc, trời chạng vạng tối mới thấy ông Tư về tới nhà.

XUÂN TƯỚC

.
.
.