Sắc xuân trên đất cù lao
Một mùa xuân nữa lại đến trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông. Năm nay, bà con nơi đây đón một cái Tết sung túc và trọn vẹn hơn. Bởi vùng đất này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; và đặc biệt, liên tục nhiều năm liền các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện luôn trúng mùa được giá.
Sự chuyển mình rõ rệt nhất trên vùng đất cù lao này là bến Phà trung tâm Tân Long nối liền huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông được đầu tư với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa qua lại và nhất là gắn kết với đất liền, tạo bước phát triển mới. Cuộc sống như nhộn nhịp, thay đổi hẳn lên. Từng dòng người hối hả bước xuống phà như bước sang một trang mới, một bến bờ mới.
Bến Phà trung tâm Tân Long nối liền huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất cù lao. |
Chợ Phú Đông được xây dựng khang trang, bày bán đầy đủ các sản phẩm phục vụ như cầu mua sắm của người dân nơi đây. Giá cả cũng không còn đắt đỏ như trước,…
Hệ thống giao thông nông thôn của huyện được đầu tư xây dựng thông suốt với đường tỉnh 877B dài 35,3 km chạy dài từ đầu đến cuối huyện được xây dựng kiên cố với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng; hơn 20 km đường huyện đã trải nhựa; trên 80 km đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng kiên cố.
Từ khi cây mãng cầu xiêm “bén duyên” trên vùng đất cù lao này thì đời sống bà con đã có nhiều thay đổi. Lúc đầu, chỉ có vài ha mãng cầu xiêm, vậy mà đến nay huyện đã có trên 500 ha, trung bình mỗi ha mãng cầu xiêm nếu chăm sóc tốt cho khoảng 16-18 tấn trái/năm, với giá dao động từ 15.000 đến 35.000 đồng/kg trở thành cây chủ lực của địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.
Bên cạnh cây mãng cầu xiêm thì cây sả cũng góp phần làm nên sắc xuân trên vùng đất cù lao này. Toàn huyện hiện có trên 450 ha sả tập trung chủ yếu tại các xã Phú Thạnh, Phú Đông,…Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2, gấp 3 lần so với cây lúa. Năm nay, cây sả đã giúp cho hàng chục hộ gia đình thoát nghèo, nhiều gia đình có của ăn của để.
Không dừng lại ở đó, cù lao Tân Phú Đông luôn chuyển mình với những định hướng phát triển kinh tế riêng, dựa vào đặc trưng riêng của từng vùng. Từ đó có những mô hình thiết thực như: mô hình lúa - tôm, nuôi tôm bán công nghiệp,…
Huyện đã xây dựng được các trường học, nhà công vụ cho đội ngũ giáo viên với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng. Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các bậc học đảm bảo theo quy định. Huyện luôn duy trì được chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 6/6 xã. Trường Mầm non Phú Thạnh đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với kinh phí dự tính trên 9 tỷ đồng...
Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Phú Đông với quy mô 40 phòng và tiếp tục khởi công xây dựng giai đoạn 2 với kinh phí gần 80 tỷ đồng, đảm bảo công tác chăm sóc và khám bệnh cho người dân nơi đây.
Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những kết quả mà Tân Phú Đông có được như ngày hôm nay, đó là kết quả của sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông và bằng sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của người dân ở mảnh đất cù lao cùng chung sức xây dựng cho mảnh đất này ngày càng đẹp thêm. Nhân dân Tân Phú Đông có thể tự hào trước những thay đổi lớn do chính bàn tay mình làm ra”.
VĂN MINH