Ban Nữ công CĐCKCN Tiền Giang: Quan tâm chăm lo đời sống công nhân
Ban Nữ công Công đoàn các Khu công nghiệp (CĐCKCN) Tiền Giang là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người lao động (LĐ) và là cầu nối giúp doanh nghiệp (DN) kịp thời giúp đỡ những gia đình công nhân (CN) có hoàn cảnh khó khăn. Với việc làm thiết thực này, những năm qua, đơn vị đã góp phần chăm lo tốt đời sống NLĐ và vinh dự nhận nhiều Bằng khen của LĐLĐ tỉnh.
Với mong muốn chia sẻ khó khăn, giúp anh chị em CN ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, Ban Nữ công CĐCKCN Tiền Giang ra đời năm 2004. Những năm qua, cùng với sự chỉ đạo và định hướng của CĐCKCN Tiền Giang, đơn vị đã xây dựng và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ quyền lợi của NLĐ, hỗ trợ chị em làm kinh tế gia đình, có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống công nhân lao động (CNLĐ).
Hiện CĐCKCN tỉnh có 44 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, trong đó có 43 Ban Nữ công CĐCKCN/44 CĐCS với 39.492 công đoàn viên (CĐV)/ 42.146 CNLĐ. Đa phần là lao động nữ, có 35.824 CNLĐ nữ, chiếm tỷ lệ 85% trên tổng số CNLĐ. Đến nay, Liên đoàn lao động tỉnh (LĐLĐ) tỉnh đã thành lập 23 khu nhà trọ công nhân tự quản với trên 3.000 CNLĐ đang làm việc ở các khu công nghiệp ở trọ, trong đó có 2.370 nữ, chiếm tỷ lệ 79%.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Chủ tịch CĐCKCN Tiền Giang, Trưởng Ban nữ công CĐCKCN, cho biết: Đa số CNLĐ điều kiện làm việc cực nhọc, chủ yếu là lao động giản đơn. Nhiều phụ nữ ở xa quê phải thuê nhà trọ, hàng tháng đóng tiền phòng trọ, điện, nước, tiền học của con và các khoản chi phí khác… nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhất là lao động nữ đồng lương thu nhập thấp, cường độ lao động rất cao như tăng ca, làm thêm giờ. Vì vậy, chị em không có thời gian để vui chơi, giải trí, theo dõi thông tin, thời sự trong nước và thế giới…
Đồng cảm với những khó khăn của chị em, Ban nữ công CĐCKCN dưới sự điều hành của Ban Chấp hành CĐCKCN phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới trong CNLĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; tổ chức tuyên truyền về các chế độ, chính sách cho lao động nữ, thực hiện tốt việc khám sức khoẻ định kỳ cho CNLĐ, nhất là LĐ nữ, luôn tăng cường phúc lợi giúp LĐ nữ phát huy vai trò, hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống của người LĐ và gia đình.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 8/3 và 20/10, hội thi nấu ăn, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tổ chức các trò chơi vận động dành riêng cho LĐ nữ tham gia, tạo không khí vui tươi, sinh động, giúp chị em phụ nữ thư giãn sau thời gian LĐ mệt nhọc.
Đa phần các chị em CN ít được học hành, ít được học tập, đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, hạn chế về kiến thức cũng như quyền lợi người LĐ. Vì lẽ đó, Ban nữ công CĐCKCN thường xuyên theo dõi việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong DN; việc tuyển dụng, bố trí công việc, nâng bậc lương và trả tiền công đúng quy định của pháp luật; theo dõi người sử dụng LĐ về việc không được phân biệt đối xử với phụ nữ, không được xúc phạm danh dự và nhân phẩm của phụ nữ; người sử dụng LĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ đối với phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;
không được bố trí, phân công LĐ nữ làm việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ; quan tâm đến đời sống, tâm tư, tình cảm của chị em phụ nữ; nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho chị em phụ nữ...
Ngoài ra, Ban Nữ công CĐCKCN còn phối hợp với quỹ trợ vốn CEP - Chi nhánh Mỹ Tho hỗ trợ vốn cho CNLĐ từ 5-10 triệu đồng/người/năm (tùy theo thâm niên lao động và hoàn cảnh gia đình) nhằm giúp chị em có vốn chăn nuôi gà, vịt, heo… phát triển kinh tế gia đình.
Chị Bùi Thị Thanh Trang, Ủy viên Ban Thường vụ CĐCKCN phấn khởi nói: Qua công tác tuyên truyền, giáo dục, đã giúp nhiều gia đình CN có bước tiến bộ, ý thức được nâng lên rõ rệt, hạn chế sự phân biệt đối xử với nữ giới; lao động nam đã chia sẻ nhiều việc với phụ nữ, xem công việc gia đình là trách nhiệm chung, cùng nhau nuôi dạy con tốt, chung sức xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng ở trọ hiện nay rất hạnh phúc.
Năm 2013, Ban Nữ công CĐCKCN dưới sự điều hành của CĐCKCN tỉnh đã vận động nhiều DN quyên góp xây dựng 13 mái ấp công đoàn (mỗi mái ấm 20 triệu đồng); từ đầu năm 2014 đến nay chúng tôi đã vận động và xây thêm 4 mái ấm công đoàn. Qua đó, giúp nhiều gia đình công nhân ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban nữ công CĐCKCN sẽ tiếp tục đồng hành cùng CNLĐ tháo gỡ khó khăn, xây dựng nhiều chương trình hoạt động thiết thực gắn với CNLĐ, đặc biệt là chị em phụ nữ, nhằm tạo sân chơi bổ ích, khuyến khích chị em tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình…
HOÀI THU