Thứ Bảy, 08/03/2014, 05:55 (GMT+7)
.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh:Tận tụy với công việc, không ngừng rèn luyện y đức

Tốt nghiệp ngành Điều dưỡng của Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương III năm 1988, trải qua 26 năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy (nay là Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy), nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Linh luôn tận tụy với công việc, không ngừng rèn luyện y đức, đặc biệt chị rất đam mê nghiên cứu khoa học. Chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), 8 sáng kiến cải tiến (SKCT), 15 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Đó là bề dày thành tích, là kết quả của quá trình lao động khoa học nghiêm túc của một nữ điều dưỡng rất đáng để các thế hệ thầy thuốc trẻ học tập và noi theo.

TẦM QUẢN LÝ GẮN VỚI CÁI TÂM CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC

Sau 4 năm công tác tại Khoa Nhi, năm 2002 chị được điều động về Phòng Điều dưỡng. Với vai trò là Trưởng phòng, ngoài quản lý nhân sự của phòng, chị còn chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn, phối hợp điều động nhân sự giữa các khoa, phòng để phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân khi nhận thấy có sự thay đổi đột biến dẫn đến bất hợp lý về số lượng bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa.

Để quản lý, điều động một đội ngũ chiếm khoảng 2/3 (280/425) cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) của bệnh viện (bao gồm điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, hộ lý) làm việc hiệu quả, khoa học là vấn đề không hề đơn giản. Để làm được điều đó, chị luôn quan sát, lắng nghe ý kiến đề xuất của đội ngũ điều dưỡng trưởng (14 người), kỹ thuật viên trưởng, nữ hộ sinh trưởng ở các khoa, phòng và chủ động ra quyết định kịp thời, không để xảy ra trường hợp quá tải, ách tắc ở khâu này hoặc bộ phận kia, dẫn đến bệnh nhân kêu ca, phản ánh mới tiến hành xử lý.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.

Trong trường hợp khẩn cấp hay khi xảy ra dịch bệnh, chị tiến hành điều động “nóng” (điều động ngắn hạn) thông qua trao đổi, xin ý kiến của lãnh đạo bộ phận nơi nhân viên đó công tác. Trường hợp điều động trên 2 tháng, chị đề xuất Phòng Tổ chức ra quyết định bằng văn bản nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi của nhân viên được điều động. “Trong thời gian đầu, công tác điều động nhân sự vấp phải sự phản ứng (đôi khi gay gắt) từ phía người được điều động. Khi đó, tôi phải tranh thủ hoặc nhờ lãnh đạo hỗ trợ, giúp sức” - chị Linh chia sẻ.

Về sau, khi tích lũy được kinh nghiệm, hầu như trường hợp điều động nào cũng thành công, do chị biết cách vận động, thuyết phục đã giúp nhân viên vui vẻ chấp nhận. Định kỳ mỗi tuần hoặc 2 tuần/lần, chị tổ chức họp điều dưỡng trưởng các khoa, phòng để trao đổi và trình chiếu những hình ảnh đã được chị chụp lại những thao tác, cử chỉ đẹp hay những thao tác, ứng xử không đúng… của nhân viên để xây dựng, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, chị còn chủ trì cuộc họp Hội đồng người bệnh, có sự tham dự của Ban Giám đốc (không có sự tham dự của khoa, phòng) để người bệnh thẳng thắn phát biểu ý kiến về cung cách, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên; sau đó tổng hợp, thông báo cho lãnh đạo các khoa, phòng biết để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

HAM HỌC HỎI, SẴN LÒNG HỖ TRỢ, GIÚP ĐỠ ĐỒNG NGHIỆP  

Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở - Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy nhận xét: “Hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, tôi nhận thấy chị Linh là một trong những trụ cột của bệnh viện xét về tài năng cũng như y đức.

Đối với công việc, chị luôn có trách nhiệm; đối với đồng nghiệp chị luôn tận tình giúp đỡ; đối với bệnh nhân chị luôn quan tâm, gần gũi nên luôn được mọi người tin tưởng, quý mến. Hầu như hoạt động nghiên cứu khoa học nào do bệnh viện chủ trì chị cũng đều tham gia.

Ngoài ra, chị còn phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bác sĩ trong bệnh viện thực hiện thành công một số đề tài, sáng kiến hữu ích. Đặc biệt, hàng năm chị đều tham mưu Ban Giám đốc tổ chức thành công các Hội nghị khoa học do bệnh viện đăng cai từ khâu hậu cần đến mời đăng ký đề tài, đặt hàng diễn giả trình bày báo cáo khoa học…”.

Mặc dù khá bận rộn với công việc nhưng chị vẫn dành thời gian mày mò nghiên cứu, đặc biệt là khả năng tự học. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, sau khi mày mò nghiên cứu, tự học và dự thi lấy Chứng chỉ B Tin học, năm 2006 chị đề xuất và được Ban Giám đốc chấp thuận chủ trương tổ chức các lớp xóa mù Tin học cho toàn thể CB-CNV đơn vị.

Kết quả, chi đoàn do chị đứng ra chủ trì đã tổ chức đào tạo được 3 lớp, có trên 80 người dự thi và được cấp chứng chỉ A. Song song đó, chị còn đề xuất Ban Giám đốc tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm thống kê số liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và mời các thầy từ TP. Hồ Chí Minh xuống hướng dẫn.

Nhờ nắm vững thao tác thực hành phần mềm xử lý số liệu, chị đã phối hợp, hỗ trợ nhiều đồng nghiệp trong đơn vị thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cũng như luận văn thạc sĩ, đề tài chuyên khoa.

Về quản lý chuyên môn, chị thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân viên thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình và định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ để giúp nâng cao tay nghề cho nhân viên. Ngoài ra, chị còn chủ động viết quy trình để nhân viên thực hiện nhằm hạn chế những sai sót như: kỹ thuật tiêm thuốc an toàn, quy trình chuyển viện an toàn…

Ở chị, sự học là quyển vở hầu như không có trang cuối. Mặc dù đã lớn tuổi, không nằm trong diện quy hoạch đào tạo, nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian và tự túc kinh phí tham dự khóa đào tạo sau đại học do Trường Đại học Y khoa Huế tổ chức tại tỉnh Bến Tre trong thời gian 3 năm và đã tốt nghiệp thủ khoa chương trình đào tạo chuyên khoa I ngành Điều dưỡng (tháng 9-2013).

ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Chị Linh cũng là một điển hình về tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học. Trong khoảng thời gian 23 năm (từ năm 1990 đến năm 2013) chị đã chủ trì thực hiện 18 đề tài khoa học (8 đề tài nghiên cứu khoa học và 10 sáng kiến cải tiến), trong đó đề tài “Túi cấp cứu ban đầu phòng, chống sốc phản vệ của điều dưỡng” đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ X (năm 2012 -
2013) và một số đề tài (cấp cơ sở) khác được giới Y khoa trong, ngoài nước đánh giá cao về tính hiệu quả và khả năng ứng dụng như:

“Hiệu quả sử dụng mẫu sổ in thay thế mẫu sổ carô tại các khoa, phòng”, với đề tài này, chị được chọn đi báo cáo điển hình tại Hội nghị khoa học do Hội Điều dưỡng Canada tổ chức ở tỉnh Hải Dương (năm 2011); “Đánh giá tình hình rút thuốc tiêm của điều dưỡng tại bệnh viện ĐKKV Cai Lậy”, đề tài này chị được mời đi báo cáo tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre (năm 2005); “Khảo sát sự cố y khoa không mong muốn của điều dưỡng - hộ sinh tại Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy năm 2008”, với đề tài này, chị được chọn đi báo cáo tại Hội nghị khoa học Nhi khoa toàn quốc (tại Hà Nội) do Hội Điều dưỡng Úc tài trợ. Đề tài này được ngành Y tế các tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc rất quan tâm.

Mới đây, Bệnh viện Chợ Quán đã liên hệ chị xin báo cáo khoa học để tham khảo. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy vẫn đang tiếp tục ứng dụng đề tài này vào hoạt động quản lý điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện… Theo chị Linh, đề tài “Khảo sát sự cố y khoa không mong muốn của điều dưỡng - hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy năm 2008” được giới chuyên môn đánh giá rất cao; thế nhưng trong thời gian đầu, vấn đề có nên công bố rộng rãi đề tài hay không là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng.

Cuối cùng đề tài cũng đã được công bố với mong muốn làm thay đổi nhận thức, cách nhìn theo hướng không nên quá khắt khe với những sai sót của nhân viên, đặc biệt là đối với nhân viên mới do những sự cố khách quan. Tức là, theo chị, không nên nhất thời quy chụp 1 cá nhân nào đó, mà trước hết phải tìm nguyên nhân (có thể do công việc mới hoặc nhân viên mới chưa được hướng dẫn đến nơi đến chốn…) để bàn biện pháp khắc phục và ai cũng phải thấy cái sai của người khác để phòng tránh.  

Những cống hiến của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh trong suốt 26 năm qua đã được ghi nhận qua sự tôn vinh và tặng thưởng của Trung ương và địa phương, bao gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy hiệu và Bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Sở Y tế. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày “Thầy thuốc Việt Nam” năm nay, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Ưu tú”.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.