Thứ Tư, 05/03/2014, 13:33 (GMT+7)
.

Cô Lê Thị Trinh: Mô hình đan lát giúp phụ nữ ổn định cuộc sống

Được thành lập vào năm 2002, tổ hợp tác (THT) đan lát các mặt hàng xuất khẩu của cô Lê Thị Trinh, ấp 1 (Tân Hưng, Cái Bè) đã tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 700 phụ nữ, cải thiện kinh tế gia đình. Giờ đây, THT đang chuẩn bị đi lên hợp tác xã.

Làm Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 1, xã Tân Hưng hơn 15 năm, cô Lê Thị Trinh luôn trăn trở: “Làm sao để tạo việc làm cho chị em trong ấp, xã có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn”. Được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, cô đã sang Vĩnh Long học đan lục bình, rồi xin vào một công ty ở khu công nghiệp Hòa Phú vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Sau 3 năm, cô quyết định mở cơ sở đan lát, lục bình tại nhà.

Cô Lê Thị Trinh đang kiểm tra hàng.
Cô Lê Thị Trinh đang kiểm tra hàng.

Buổi đầu, cơ sở đan lát gặp không ít khó khăn, nhưng bằng ý chí và nghị lực luôn vì người khác, cô đã vượt qua được tất cả. Minh chứng đó là từ cơ sở sản xuất nhỏ, cô đã phát triển thành tổ hợp tác (THT) với 9 điểm sản xuất, thu mua.

Cô chia sẻ: “Đi học nghề, mở THT chỉ mong sao tạo được việc làm cho người dân. Cô nghĩ có cố gắng thì sẽ thành công”. Từ đó, THT đan lát đã tạo việc làm thường xuyên cho 700 chị em của xã Tân Hưng và các xã lân cận. Hiện nguồn vốn THT đang hoạt động trên 800 triệu đồng.

Chị Võ Thị Kiều Phương, ấp 1, xã Tân Thanh, người đã gắn bó với THT hơn 10 năm cho biết: “Nhà nghèo, không đất sản xuất, nên trước đây tôi đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh vất vả lắm. Bôn ba mấy năm thì về quê, ai thuê gì làm nấy, sau đó được chị em giới thiệu đến THT của cô Trinh nhận hàng về đan. Giờ đây, trung bình mỗi tháng thu nhập từ nghề đan hơn 2 triệu đồng, tôi có đủ tiền lo cho 2 con ăn học”.

Hay cô Nguyễn Thị Sa, 60 tuổi ở ấp 4, xã Tân Thanh vui mừng: “Có được công việc này đỡ lắm, tận dụng thời gian rảnh mà mỗi tháng có thêm 1 đến 2 triệu đồng”. Không chỉ hỗ trợ việc làm cho chị em, khi thấy hoàn cảnh nào gặp khó khăn, cô đều sẵn sàng giúp đỡ.

Điển hình như hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Phượng, ấp 1, xã Tân Hưng, chồng bệnh tâm thần, không đất sản xuất. Chị Phượng đã vay vốn Quỹ hỗ trợ việc làm nhưng không có khả năng chi trả. Cô đã đứng ra hỗ trợ trả giúp chị Phượng gần 2 triệu đồng và tạo việc làm cho chị.

Từ những kết quả đã đạt được, năm 2011 cô Trinh được cử đi dự hội nghị tuyên dương điển hình ở Hà Nội về doanh nhân quy mô nhỏ thành đạt. Cô còn nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội LHPN và nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Cô trinh còn là người đảm đang việc nhà. Cô chia sẻ: Từ 2 công đất vườn ông bà cho, đến nay cô mua thêm 8 công chủ yếu trồng chanh và xoài Đài Loan, cho năng suất khá cao. 2 người con của cô đều đã lớn, một người đã có việc làm ổn định, một người thì đang học bên Vĩnh Long.

Có được như hôm nay, cũng nhờ sự động viên, giúp sức của chồng cô rất nhiều, từ việc chăm sóc vườn nhà, đến giúp cô quản lý tổ hợp tác. Giờ đây, làm sao tạo việc làm thường xuyên, ổn định, tăng thu nhập cho chị em là cô thấy vui rồi.

Chị Võ Thị Bé Chính, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Chị Trinh thật sự là người phụ nữ của công việc; mô hình đan lát, lục bình của chị đã giải quyết việc làm cho chị em trong xã. Nhiều chị em nhờ có được công việc này không những có thêm thu nhập mà còn thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Sắp tới Hội LHPN sẽ tạo mọi điều kiện để THT của chị Trinh đi lên HTX”.

P. MAI

.
.
.