Thứ Sáu, 21/03/2014, 14:10 (GMT+7)
.

Để sự an toàn luôn đồng hành cùng cuộc sống

Trong 3 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy, tài sản thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy là do sự cố điện và sự thiếu thận trọng của người sử dụng lửa.

Đơn cử, vào ngày 14-3, vì bất cẩn trong sử dụng lửa mà ông Phạm Trần Phương, ngụ xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước đã gây ra hậu quả lớn. Để khai thác bạch đàn, ông Phương đốt cỏ ngay trong khu rừng bạch đàn của mình và gây cháy.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp, cùng Công an xã và nhân dân xung quanh đã phải vất vả trong 5 tiếng đồng hồ mới dập tắt được đám cháy. 5,3 ha bạch đàn của gia đình ông Phương và Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Tiền Giang đã bị thiêu rụi.

Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn tập huấn.
Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn tập huấn.

Liên tiếp trong 1 tuần lễ trước và sau đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy do đốt cỏ và sự cố điện. Như vụ cháy tại nhà hàng Lộc Phố, phường 5, TP. Mỹ Tho do sự cố điện, đã  gây thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Nhiều vụ cháy xảy ra ngay trước thời gian diễn ra Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là sự cảnh báo về ý thức phòng ngừa cháy nổ trong một bộ phận nhân dân. Ý thức cảnh giác cần phải được nâng cao hơn trong mùa khô, thời tiết nắng, nóng, gió mạnh như hiện nay.

Có lẽ vì lý do đó mà những nhà làm công tác quản lý đã chọn thời gian Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN hàng năm là từ ngày 16 đến ngày 22-3. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ý thức cảnh giác, phòng ngừa là phải thường xuyên, liên tục. Cao điểm tập trung các hoạt động trong tuần lễ chỉ là biện pháp làm tăng thêm ý nghĩa nhắc nhở, tuyên truyền, cổ động.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2014 với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động như: Treo băng rol, khẩu hiệu, tổ chức mít tinh, hội thi ATVSLĐ - PCCN…

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) phối hợp công an các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC tại các khu, cụm công nghiệp, chợ, các cơ sở kinh doanh, sản xuất có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, trong đó chú trọng kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện, các chất dễ cháy, nổ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu cơ sở khắc phục những thiếu sót, vi phạm quy định về PCCC.

Tập huấn PCCC.
Tập huấn PCCC.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn chữa cháy cho cơ sở cũng được tăng cường nhằm bổ sung kịp thời những kiến thức mới trong công tác PCCC; thực hành xử lý các tình huống thực tế, từng bước hoàn thiện về nghiệp vụ chữa cháy cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Một đội viên đội PCCC tại chỗ cho biết: Những buổi tập huấn giúp tôi hiểu biết pháp luật PCCC, giúp mình có kiến thức nhất định về công tác chữa cháy trong đời sống hàng ngày cũng như công việc của mình, có kiến thức này khi gặp trường hợp cháy mình áp dụng tránh thiệt hại lớn hơn.

Thực tập phương chữa cháy cũng là một trong những biện pháp giúp các lực lượng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy xảy ra, góp phần tránh thiệt hại đến người và tài sản.

Ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng thì ý thức chấp hành nghiêm quy định về PCCN của chính người lao động, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quyết định. Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa cháy nổ như sau:

Đối với các kho hàng hóa, các nơi kinh doanh, mua bán phải sắp xếp gọn gàng các mặt hàng, từng loại chất dễ cháy riêng biệt, tạo lối đi và đường thoát nạn khi có sự cố xảy ra; sắp xếp đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, cách xa các thiết bị điện ít nhất là 0,5m, phải thường xuyên duy trì công tác tự kiểm tra PCCC để kịp thời thay thế những thiết bị điện, đường dẫn điện đã hư hỏng nhằm đề phòng hiện tượng chập mạch gây cháy; không câu móc thêm thiết bị tiêu thụ khi chưa được tính toán về cường độ điện đi qua dây dẫn đề phòng hiện tượng quá tải gây cháy.

Đối với các hộ gia đình cũng như các nơi làm việc, trung tâm thương mại, sau khi làm việc xong, hoặc khi ra khỏi nhà phải tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt, khóa bình ga sau khi đun nấu và không cho trẻ em nghịch lửa. Nơi thờ cúng, đốt nhang, đèn phải có biện pháp ngăn cháy đảm bảo; chìa khóa phải có nơi để theo quy định và các thành viên trong gia đình phải biết chỗ, khi có sự cố kịp thời xử lý; phải tự trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Khi có cháy xảy ra phải bình tĩnh tiến hành các bước: Tìm mọi cách báo động cho những người xung quanh biết để được giúp đỡ; đồng thời cúp toàn bộ điện khu vực xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị tại chỗ để cứu chữa, điện báo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 để lực lượng chuyên nghiệp nhanh chóng làm nhiệm vụ tham gia phối hợp chữa cháy.   
Nếu như tất cả mọi người đều nêu cao ý thức phòng ngừa thì sự an toàn luôn đồng hành cùng cuộc sống.

HỒ SƯƠNG

.
.
.