Để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn
Cách đây 31 năm (ngày 15-3-1983 – 15-3-2014) Liên Hiệp Quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15-3-1983 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”. Liên Hiệp Quốc quy định 8 quyền của người tiêu dùng gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục và đào tạo về tiêu dùng; quyền có môi trường sống lành mạnh và bền vững. Hiện nay, ở Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 8 quyền và 2 nghĩa vụ của người tiêu dùng. Hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới" hàng năm, Tiền Giang đã có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Thực tế, trong thời gian qua, các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với nhiều hình thức khác nhau như: Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm,... Sự gia tăng vi phạm trong cung ứng hàng hóa dịch vụ làm xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng với qui mô, tính chất ngày càng phức tạp.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang giải quyết một vụ khiếu nại của người tiêu dùng. |
Trước thực trạng này, ngay khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan.
Các hoạt động trên được thực hiện thông qua các hình thức như: Hội nghị; hội thảo; phát tờ rơi; treo băng rôn; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; website Sở Công Thương; tổ chức tọa đàm về Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hội thảo về các biện pháp chống hàng giả; tiến hành giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp..
Chính điều này đã có những tác động tích cực đến người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng hiểu rõ hơn và ngày càng ý thức hơn về vai trò và quyền của mình khi mua sắm hàng hóa. Bên cạnh đó, việc ra đời của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp ở tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, trong năm 2013, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 57 vụ khiếu nại của người tiêu dùng về các vụ việc như: Lúa giống không đạt chất lượng nên gieo xạ thu hoạch đạt năng suất thấp; thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng, heo ăn chậm lớn và bị bệnh; điện thoại di động bị hư, bảo hành 3 lần nhưng không sử dụng được; mua hột soàn 6,3 ly, bán lại cửa hàng thu vào giá thấp so với thời điểm mua; xe Honda Air Blade cửa hàng đã bảo hành nhưng tiếng máy nổ vẫn còn kêu lớn; thức ăn gia cầm kém chất lượng; sữa bột kém chất lượng;...
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang tổ chức họp hòa giải thành 55/57 vụ, còn lại 2 vụ thức ăn chăn nuôi (heo ăn) và hột xoàn 6,3 ly hòa giải không thành Tỉnh hội chuyển hồ sơ sang Tòa án giải quyết theo thẩm quyền.
Các vụ hòa giải thành, người tiêu dùng được các chủ doanh nghiệp đã thay linh phụ kiện hàng hóa mới, bồi thường thiệt hại hoặc trả lại tiền mua hàng hóa, trị giá trên 450 triệu đồng. Ngoài ra các hội thành viên và tổ hòa giải đã hòa giải thành 34/34 vụ, trị giá hàng hóa trên 20 triệu đồng.
Riêng trong quí I-2014, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang tiếp nhận 13 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng. Hội đã tổ chức hòa giải thành 13/13 vụ. Các chủ doanh nghiệp, đại lý, các tiểu thương đã thỏa thuận với người tiêu dùng và đồng ý hổ trợ, bồi thường thiệt hại với số tiền trên 77 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai, một người tiêu dùng ở huyện Chợ Gạo cho rằng, việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn. Bởi đối với người tiêu dùng thì Hội là chỗ dựa, là cơ quan đại diện giải quyết những vấn đề khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hoá.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội quan tâm.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì công tác tư vấn cho người tiêu dùng, hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng… đã được các ngành chức năng thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới" năm 2014, Sở Công thương cũng như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp tỉnh Tiền Giang đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, các đoàn thể tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới.
Cụ thể, treo hàng chục băng rôn, 150 cờ phướn trên các địa bàn như: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và các huyện: Cái Bè, Châu Thành, Gò Công Đông. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, nhằm trang bị kiến thức cho nhân dân cũng như người tiêu dùng tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, khuyến khích người tiêu dùng lên án, tẩy chay hàng hoá của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng... Đây là một trong những hoạt động thiết thực giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm hơn và nghiêm túc thực hiện các qui định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững trong thời kỳ hội nhập quôc tế.
H. NGHỊ - T. TRANG