Làng nghề chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc: Liên kết để phát triển
Nghề chạm khắc gỗ ở xã Lương Hòa Lạc được hình thành từ thập niên 1960, với 7 nghệ nhân có tay nghề khá nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc gỗ độc đáo. Trải qua nhiều bước thăng trầm, những năm gần đây, nghề chạm khắc gỗ ở xã đã phát triển mạnh trở lại.
Số người tham gia học và làm nghề chạm khắc gỗ ngày càng nhiều. Những sản phẩm gỗ được chạm khắc tinh xảo đã thu hút nhiều người đến đặt hàng. Làng nghề chạm gỗ xã Lương Hòa Lạc cũng được hình thành từ đó.
Những người thợ chạm khắc gỗ tại cơ sở Ba Nở. |
KIÊN TRÌ VỚI NGHỀ
Nghệ nhân Lê Công Quyền (thường được gọi là Ba Quyền) bắt đầu đến với nghề từ năm 1962, khi ông 16 tuổi. Trước đó 3 năm, ông đã bắt đầu theo học nghề chạm khắc gỗ ở một nghệ nhân lớn tuổi khác. Với tay nghề của mình, ông có thể chạm khắc bất cứ thứ gì, từ bình thường đến tinh xảo, từ món đồ nhỏ như chiếc dĩa chưng, chân chò, cho đến Cửu long thờ Quan Âm (hiện đang ở chùa Bửu Lâm, TP. Mỹ Tho), tượng Phật Di Lặc…
Ông đã dạy nhiều lứa học trò, tất cả đều có thể sống được với nghề. Trong đó, phải kể đến 3 con trai của ông. Cả 3 đều có tay nghề giỏi, có thể chạm khắc được nhiều món đồ tinh xảo như: đầu ghề, ô lam nhà, cửa, tượng gỗ… nên thường xuyên được khách đặt hàng. Bản thân ông cũng làm không hết việc.
Ông Quyền chia sẻ: “Nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng có thể học và gắn bó với nghề được. Bản thân người làm nghề chạm khắc gỗ trước hết phải khéo tay. Đặc biệt, là phải có lòng kiên nhẫn. Bởi nếu muốn chạm được một món đồ, không phải chỉ đôi ba bữa là xong. Có món, người làm phải bỏ công hàng tháng trời, tỉ mỉ từng đường, từng nét mới có thể hoàn thành sản phẩm. Tuy nhiên, nếu hoàn thành xong sản phẩm, thì quả thật không hạnh phúc nào bằng”.
Bản thân ông cũng đã từng chạm 2 cái chò, mỗi cái hết gần 3 tháng trời. Và đến tận bây giờ ông vẫn còn lưu giữ chúng trong nhà, như một kỷ niệm khó quên đối với nghề. Nghệ nhân Ba Quyền nói thêm, những sản phẩm làm, dù là theo đơn đặt hàng của khách cũng phải “có hồn”. Đây chính là nét đẹp của gỗ mà người nghệ nhân phải làm sao tạo ra cho được.
Nghệ nhân Lê Văn Hùng (cơ sở chạm Ba Nữ) cũng đến với nghề chạm khắc gỗ từ năm 1983. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh đã đào tạo ra 3 lớp thợ. Họ cũng đã cùng anh gửi đến mọi người hàng trăm sản phẩm làm từ gỗ. Gia đình anh có 4 người, tất cả đều có thể tham gia chạm khắc các sản phẩm bằng gỗ. Tùy theo yêu cầu của khách, cơ sở của anh có thể chạm khắc bất cứ thứ gì, bất cứ hoa văn nào.
Chỉ cần khách chọn theo mẫu có sẵn hoặc chụp ảnh mang đến là anh và những người cùng cơ sở có thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Tùy tay nghề của mỗi người, anh sẽ phân công những loại sản phẩm cụ thể, từ dễ đến khó.
Anh bày tỏ: “Nghề này cho thu nhập rất cao, nhất là đối với những người có tay nghề. Tuy nhiên, muốn gắn bó với nghề phải có chút khéo tay và lòng kiên nhẫn. Bởi tất cả những sản phẩm làm ra đều đòi hỏi sự chăm chú, tỉ mỉ của người thợ, như thế sản phẩm mới “có hồn” và giữ chân được mọi người”.
VƯƠN LÊN VỚI NGHỀ
Nói về những bước thăng trầm của nghề chạm khắc gỗ, nghệ nhân Lê Công Quyền hồi tưởng lại: Lúc trước nghề này rất thịnh. Khi chiến tranh ác liệt, nghề đã mai một suốt một thời gian dài. Những người làm lâu năm cũng không còn gắn bó nhiều với nghề. Mãi đến khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này mới thịnh trở lại. Nhất là trong thời gian gần đây, khi nhu cầu sử dụng đồ gỗ trở lại và người sử dụng ngày càng nhiều.
Nghệ nhân Ba Quyền với chiếc chò do ông chạm khắc. |
Giờ những người làm nghề này ở xã Lương Hòa Lạc đều nói rằng mình có thể sống được với nghề. Không kể đến những người làm lâu năm như nghệ nhân Ba Quyền, Ba Nữ… những người đến với nghề chừng 5 năm trở lại đây cũng có thể sống được với nghề. Như ở cơ sở mộc của anh Võ Thanh Triều và chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ (ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc) nhiều thợ chạm khắc gỗ trẻ tùy theo tay nghề có mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/ tháng, hoặc hơn.
Tại các cơ sở chạm khắc gỗ khác cũng vậy, một người thợ lành nghề, siêng năng có thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, người theo học nghề này ngày càng nhiều, nghề này cũng vì thế mà ngày càng phát triển.
Do phát triển khá mạnh, nên những người làm nghề tại xã không muốn gói gọn trong sản xuất nhỏ lẻ. Các nhóm thợ đã liên kết lại mua sắm trang thiết bị, máy móc đưa vào sản xuất, gia công chế tác các sản phẩm gỗ. Những người làm nghề mong muốn có nhiều cơ hội phát triển hơn qua việc liên kết này.
Làng nghề khắc chạm gỗ Lương Hòa Lạc ra đời cũng trên cơ sở đó. Hiện tại, xã có 214 hộ tham gia nghề chạm khắc gỗ, trong đó ấp Lương Phú B có 188 hộ. Trong năm 2013, làng nghề chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc sản xuất 34.734 sản phẩm, với giá bán bình quân 200.000 đồng/sản phẩm, giá trị sản lượng 6,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại làng nghề chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Do vốn ít nên một số cơ sở không thể trang bị máy móc hiện đại hỗ trợ thêm cho công việc nên năng suất lao động chưa cao, chưa cạnh tranh được các tổ hợp chạm khắc ở những nơi khác; các sản phẩm làm ra cũng chỉ được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận do các cơ sở không có vốn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng ra các thị trường.
Chính vì thế, mong mỏi lớn nhất hiện nay của bà con làng nghề là được Nhà nước hỗ trợ vốn mở rộng cơ sở sản xuất để có thể giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp làng nghề phát triển và tạo thêm thu nhập cho những người gắn bó với nghề.
KIM MINH