Lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
Cuối thế kỷ 19, ở Hoa Kỳ, nền kỹ nghệ phát triển đã thu hút đông đảo phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, nhưng bọn tư bản chỉ trả lương rẻ mạt.
Ngày 8-3-1899, căm phẫn trước sự bóc lột cùng cực của chủ nghĩa tư bản, phụ nữ công nhân ngành dệt, ngành may tại thành phố Chicago và New York (Hoa Kỳ) đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bọn tư bản đã thẳng tay đàn áp và đuổi việc một số chị em nhưng mọi người vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh buộc bọn chủ phải khoan nhượng.
Cuộc đấu tranh của phụ nữ ở Chicago đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào của phụ nữ lao động ở Đức, với sự xuất hiện hai nữ chiến sĩ lỗi lạc là Cơlơva Gétkin (người Đức) và bà Rôgia Lúcxămbua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Krúpxcaia (vợ Lênin) vận động thành lập Ban thư ký Hội phụ nữ quốc tế để lãnh đạo phong trào phụ nữ.
Năm 1910, Hội nghị quốc tế phụ nữ có 17 nước tham dự, họp tại Côpenhagơ - thủ đô nước Đan Mạch đã quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của lao động nữ trên thế giới với khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ
- Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau
- Bảo vệ người mẹ và trẻ em
Từ đó, ngày 8-3 hàng năm trở thành ngày hội của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng và thực hiện quyền nam, nữ bình đẳng.
Ở Việt Nam ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo phụ nữ tổ chức kỷ niệm ngày 8-3, Ngày hội của phụ nữ lao động trên thế giới đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
TẤN ĐỜI (st - bs)