Thứ Sáu, 14/03/2014, 12:20 (GMT+7)
.

Một ấp văn hóa tiêu biểu

Ra mắt “Ấp văn hóa” từ năm 2000. Từ đó đến nay, ấp Mỹ An (Nhị Mỹ, Cai Lậy) luôn là đơn vị điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, vun đắp tình làng nghĩa xóm và tạo điều kiện cho bà con nâng cao đời sống.

Về ấp Mỹ An, đi trên những con đường dal, đường nhựa phẳng lỳ, dọc 2 bên đường là hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, nhà cửa khang trang. Những năm qua, người dân ấp Mỹ An đã đóng góp kinh phí, ngày công và hiến đất để hoàn thành các trục đường giao thông, xóa dần “cầu khỉ” chênh vênh, đường đất lầy lội.

Chỉ tính trong năm 2013, có thêm 2 tuyến đường dal ở tổ 3 và tổ 4 hoàn thành, đưa vào sử dụng với kinh phí thực hiện 40 triệu đồng, do người dân tự nguyện đóng góp. Ngoài ra, các hộ dân cũng đã lắp đặt đèn đường để hưởng ứng mô hình “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, có chiều dài 2km, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông ở khu dân cư vào ban đêm.

Một tuyến đường dal ở ấp văn hóa Mỹ An.
Một tuyến đường dal ở ấp văn hóa Mỹ An.

Cùng với phát triển hệ thống giao thông, lãnh đạo xã, ấp vận động và tạo điều kiện để 100% hộ có điện thắp sáng và nước sạch sinh hoạt, với tỷ lệ hộ dân có đủ 3 công trình vệ sinh đạt 95,25% và 70% hộ dân có hàng rào cây xanh, sân kiểng, tạo cảnh quan môi trường xanh -  sạch - đẹp.

Giữ vững danh hiệu ấp văn hóa là chặng đường dài với nhiều nỗ lực của Ban Chủ nhiệm ấp văn hóa Mỹ An trong việc tuyên  truyền, vận động, hỗ trợ nhưng hơn hết là sự đồng thuận của người dân, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu.

Hơn 10 năm qua, ấp Mỹ An không chỉ giữ vững mà còn nâng chất các tiêu chí, thiết chế văn hóa. Hàng năm, 100% gia đình đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, qua bình xét có  trên 95% hộ được công nhận. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều gương sáng xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học được biểu dương, nhân rộng.

Là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, ông Phạm Văn Đang và bà Lê Thị Liền không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà còn nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Tham gia công tác đoàn thể ấp, quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng ông Đang - bà Liền đã chủ động sắp xếp thời gian để nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế ổn định. Đặc biệt, ông bà còn tích cực duy trì CLB “Hát với nhau”, tạo nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho bà con trong ấp.

Bà Liền bộc bạch: “Là gia đình 3 thế hệ cùng chung sống, các thành viên trong gia đình tôi luôn học cách lắng nghe và chia sẻ để vun đắp hạnh phúc gia đình; đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết với bà con, góp phần giữ vững danh hiệu ấp văn hóa…”.

Ấp Mỹ An có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, xã chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân phát huy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng xen canh cây màu dưới chân ruộng và nuôi cá đẻ, ương cá giống. Toàn ấp có 9,8ha đất ruộng được chuyển sang ương, nuôi cá và 12,22ha trồng xen canh cây màu dưới chân ruộng đem lại hiệu quả cao. Lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, nhiều nông dân đã vươn lên khá giả. Điển hình như ông Nguyễn Văn Đực Nhỏ.

Qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, nông dân Nguyễn Văn Đực Nhỏ đã vươn lên khấm khá từ mô hình nuôi cá đẻ, ương cá giống.
Qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, nông dân Nguyễn Văn Đực Nhỏ đã vươn lên khấm khá từ mô hình nuôi cá đẻ, ương cá giống.

Năm 2002, ông Nhỏ chuyển 4 công đất ruộng canh tác kém hiệu quả sang đào ao ương cá giống và nuôi cá đẻ. Diện tích đất vườn còn lại ông trồng xen canh mít và dừa, tận dụng bờ ao trồng rau xanh làm thức ăn cho cá. Nắm bắt nhu cầu thị trường để chọn cây, con giống phù hợp và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên mô hình khép kín này cho lợi nhuận bình quân mỗi năm 150 triệu đồng.

Ông Nhỏ cho biết: “Cũng nhờ lựa chọn mô hình phù hợp mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện. Không riêng tôi, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân trong khu vực đã mở rộng diện tích mặt nước để ương cá giống và nuôi đẻ, vươn lên khấm khá”.

Để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả, các đoàn thể còn hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm. Trong năm 2013, 88 hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với số vốn trên 780 triệu đồng. Đa số hộ nghèo được trợ vốn có ý thức sử dụng đồng vốn đúng mục đích và chí thú làm ăn.

Chi hội Phụ nữ cũng đã giới thiệu việc làm cho 32 phụ nữ nghèo may túi xách công nghiệp và đan lục bình để có thêm thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo trong ấp giảm còn 5,22% và cơ bản không còn nhà xiêu vẹo, dột nát. Các chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt: 100% hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; hộ nghèo, hộ chính sách được quan tâm hỗ trợ các dịp lễ, tết…

Mức sống được cải thiện, người dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Trong đó, tình làng nghĩa xóm trong bà con ngày càng thắt chặt, là một điểm sáng tiêu biểu. Trong năm 2013, qua vận động của các đoàn thể, người dân ấp Mỹ An đã trực tiếp đóng góp và vận động được trên 136 triệu đồng cho hoạt động giúp đỡ người già neo đơn, bệnh tật và xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…

Ông Võ Văn Vạn, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Mỹ An nhận xét: “Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Người dân đã tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và có trách nhiệm đối với cộng đồng, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Để công tác vận động đạt hiệu quả, chúng tôi luôn đổi mới nội dung phù hợp với thực tiễn và xác định đơn vị tổ tự quản và hộ gia đình là nền tảng để xây dựng ấp văn hóa. Nội dung tuyên truyền cũng được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu để người dân nắm được mục đích, ý nghĩa, các tiêu chuẩn và nội dung xây dựng gia đình văn hóa để thực hiện, được đánh giá là ấp văn hóa tiêu biểu của huyện và của tỉnh”.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.