Nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và Chương trình công tác năm 2013 của Sở Tư pháp, ngay từ đầu năm 2013, ngành Tư pháp huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch, triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa phương. Theo đó, Phòng Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ vào chương trình chung của ngành, cụ thể hóa bằng những việc làm để thực hiện theo từng quý, sát với thực tiễn và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Phòng Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp, đảm bảo chất lượng, thời gian theo quy định. Đã tổ chức 47 cuộc và phát 63.249 phiếu lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cùng thời gian này, ngành cũng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn huyện đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Công chức công tác Tư pháp - Hộ tịch giỏi được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp huyện năm 2013. |
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu UBND huyện góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, gồm: Quy chế phối hợp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; Quyết định giao nhiệm vụ và Quyết định ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 21/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; Quyết định ban hành Quy trình một cửa liên thông trong lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế, hộ khẩu của UBND tỉnh…
Tổ chức rà soát, đánh giá, kiến nghị để xây dựng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật giúp chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước tại địa phương.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường và bước đầu phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Ngày pháp luật”, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản của Đảng và Nhà nước mới ban hành cho thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể huyện, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn, lãnh đạo UBND xã, công chức tư pháp - hộ tịch, trưởng công an cơ sở.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung); Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Duy trì việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Công tác trợ giúp pháp lý lưu động được đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Huyện đã kiện toàn, tổ chức lại Hội đồng phối hợp công tác - phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện với 24 thành viên. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện hiện có 35 thành viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, thị trấn là 295 thành viên.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 21 câu lạc bộ (CLB) Cựu chiến binh, 138 CLB Cựu quân nhân, 3 CLB “Nông dân với pháp luật”, 2 CLB “Nông dân xây dựng nông thôn mới”, 3 CLB Trợ giúp pháp lý ở Điềm Hy, Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông, 16 CLB Gia đình hạnh phúc, 23 CLB An toàn giao thông… với hàng ngàn thành viên thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi với nhau về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông qua các CLB, người dân có thể tự hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng và giúp người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
Nhìn chung, thông qua hoạt động tư pháp, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý qua các hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải… đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu kiện, giữ gìn an toàn trật tự trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền được tiếp cận với pháp luật tại địa bàn dân cư, giúp họ tháo gỡ các vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của mình.
HỒNG VỊ